TBVĐ- Kết quả thăm dò tại Đức cho thấy, 48% giáo viên được hỏi nghĩ rằng họ chỉ có một chút hay không có ảnh hưởng gì đối với học sinh của họ, có nghĩa cứ 2 giáo viên thì một người nghĩ như vậy.
Trong cuộc khảo cứu so sánh chất lượng giáo dục châu Âu năm 2010, học sinh Đức chỉ xếp ở thứ hạng trên trung bình, không thật sự xuất sắc ở bất cứ lĩnh vực nào, thậm chí còn kém trong đọc và viết. Số học sinh đọc kém ở châu Âu chiếm tỉ lệ 20%, với học sinh 15 tuổi cứ năm học sinh thì một đọc kém. Học sinh nữ đọc khá hơn học sinh nam. Còn ở Đức, số học sinh 15 tuổi vẫn gặp khó khăn trong đọc chiếm khoảng 18,5%. Đến năm 2010, con số này giảm xuống còn 17%. Nhìn chung học sinh của Đức cũng đã tiến bộ dần trong các năm vừa qua. Ngược lại, học sinh của các nước khác như: Ailen, Áo và Pháp so với 10 năm về trước thì lại kém hơn.
So với các nước khác về số lượng tốt nghiệp phổ thông và đại học, thì Đức kém hơn, chỉ khoảng 73,7% ở độ tuổi 22 có bằng tốt nghiệp phổ thông hoặc bằng học nghề. Trong khi con số này, bình quân toàn châu Âu cao hơn, tới 78,6 %. Slovakia chiếm tỉ lệ cao nhất 93,3%. Tương tự như vậy ở bậc đại học, Đức có 29,4% ở độ tuổi từ 30 đến 34 có bằng đại học hoặc một loại bằng tương đương. Đến năm 2020 các nước EU hy vọng sẽ tăng lên 40%.
Một mục tiêu EU đã đạt được là: so với năm 2000, số lượng cử nhân trong các ngành toán, tự nhiên và kĩ thuật đã tăng thêm 37%. Còn ở Đức, con số này đến năm 2009 đã tăng thêm 50% và tỷ lệ nữ cũng tăng hơn. Riêng Đức đạt được thành tích ở điểm khác, như: 95,6% trẻ em đến mẫu giáo (Vorschule).
Về vai trò giáo dục, kết quả thăm dò tại Đức cho thấy, 48% giáo viên được hỏi nghĩ rằng họ chỉ có một chút hay không có ảnh hưởng gì đối với học sinh của họ, có nghĩa cứ 2 giáo viên thì một người nghĩ như vậy. Tác động lớn chính là truyền thông (69% số giáo viên được hỏi khẳng định), môi trường bạn bè (68%), gia đình chỉ ở mức 31%. Rất ít giáo viên (8%) tin tưởng vào công việc của họ. Ngược lại, theo cuộc thăm dò của Vodafone- Stiftung, với 2.227 người trên 16 tuổi và 536 giáo viên được hỏi, thì các bậc cha mẹ lại đặt niềm tin lớn vào nhà trường. Họ không chỉ mong đợi nhà trường dạy con em họ viết đúng chính tả, ngữ pháp (86% người được hỏi), kiến thức phổ thông (79%), mà còn giáo dục đạo đức cho chúng, như phải đúng giờ (66%), giúp đỡ người khác (66%), sẵn sàng (65%).
Người dân hoài nghi về tính liên tục của hệ thống trường học Đức. Khả năng sau khi nghỉ học trở lại học một bậc phổ thông cao hơn, ngay đối với học sinh học tốt cũng rất khó (45% người được hỏi), 11% cho rằng rất khó.
Hoàng Mai (tổng hợp)