Sư Học Thành là sư trụ trì chùa Long Tuyền nổi tiếng ở ngoại ô thủ đô Bắc Kinh, và là Hội trưởng Hội Phật học Trung Quốc, cùng là thành viên của Thường vụ Ủy ban toàn quốc khóa 13 Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân toàn Trung Quốc (gọi tắt là Chính Hiệp).
Nhà sư nổi tiếng thuyết giáo thu hút bị cáo buộc gạ tình ni cô
Sư Học Thành nay 51 tuổi, là một chức sắc tôn giáo nổi tiếng ở Trung Quốc. Ông đã xuất bản nhiều đầu sách, và là tác giả một trang blog có nhiều người đọc.
Ông Học Thành được đánh giá là một nhà thuyết giáo có duyên, có công phục hồi các tài sản của chùa Long Tuyền 1.000 năm tuổi ở tây bắc Bắc Kinh. Đây là nơi thu hút các nhà thầu và sinh viên tốt nghiệp đại học đến tu dưỡng và học Phật học trong nhiều ngày, thậm chí nhiều năm.
Vài năm gần đây, chùa Long Tuyền “tạo sóng” vì cho phép giới tu hành nghiên cứu đạo Phật qua iPad, cũng như tạo một người máy có hình hài một tu sĩ để trả lời các thắc mắc về đạo Phật.
Đơn tố cáo cho biết chùa Long Tuyền hạn chế sử dụng điện thoại di động và internet, nhưng quyền của sư trụ trì Học Thành thì rất lớn.
Cơ quan các vấn đề tôn giáo của Trung Quốc đã mở cuộc điều tra đơn tố cáo Sư Học Thành quấy rối tình dục và đòi “ngủ” với nhiều ni cô, trong một đơn tố cáo 95 trang, do hai cựu đồng đạo ở chùa Long Tuyền viết. Hai người này nhận có bằng tiến sĩ và đã tốt nghiệp đại học Thanh Hoa danh tiếng, nhưng đi tu từ hơn 10 năm trước.
Đơn tố cáo có cả lời chứng của những nạn nhân giả định, rằng sư Học Thành gởi tin nhắn mang nội dung thuyết phục ít nhất 6 ni cô có thể được “tẩy uế” qua quan hệ tình dục, và ép họ phải quan hệ xác thịt với sư Học Thành, vì “đó là một phần của nghiên cứu Phật giáo”.
4/6 ni cô khi bị đe dọa đã phải chấp nhận “trao thân” cho sư Học Thành.
Ngoài ra, đơn tố cáo còn mô tả tình trạng tài chính của chùa Long Tuyền, qua đó sư Học Thành còn bị cáo buộc lem nhem về tài chính, “đục khoét” gần 1,5 triệu USD là tiền của chùa, và ông cơi nới trái phép cấu trúc của chùa.
Theo đơn tố cáo, hai cựu đồng đạo chùa Long Tuyền bắt đầu điều tra các tin nhắn nói trên, sau khi một ni cô cầu cứu. Họ khẳng định đã phối hợp với một số chuyên gia thuộc Bộ Công an Trung Quốc để xác nhận những tin nhắn đó là do sư Học Thành gửi đi.
Có thông tin rằng ban đầu đơn tố cáo chỉ gởi đến các cơ quan chính phủ và một số nhân vật trong Hội Phật học Trung Quốc, nhưng chưa rõ do đâu nó bắt đầu lan truyền trên mạng xã hội Trung Quốc từ ngày 31.7.
Sư Học Thành và chùa Long Tuyền phủ nhận các cáo buộc trên mạng xã hội Weibo đêm 1.8, rằng các cáo buộc là “thông tin bịa đặt và bóp méo”.
Công viên quanh chùa Long Tuyền được đóng, “vì lý do an ninh”, theo giới truyền thông Trung Quốc. Hoàn cầu thời báo (phụ san lá cải của Nhân dân nhật báo, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc) cho biết sư Học Thành đã được cơ quan chức năng mời đến thẩm vấn, sau đó ông được thả.
Theo AP, một nhân viên tình nguyện của chùa Long Tuyền trả lời điện thoại hôm 3.8, đề nghị nhà báo xem các tuyên bố vừa nêu trên, và nói không biết ông Học Thành có tiếp tục là sư trụ trì hay không.
Phong trào tố cáo quấy rối tình dục #MeToo lan tỏa đến Trung Quốc
Vụ sư Học Thành là trường hợp mới nhất cho thấy phong trào tố giác quấy rối tình dục #MeToo ở Mỹ đã lan đến quốc gia đông dân nhất thế giới. Một số giáo sư đại học nổi tiếng, 3 nhà hoạt động và 1 nhà báo (ông Chương Văn của Hoàn cầu thời báo) đã bị cáo buộc qua mạng và đã bị điều tra.
Một nữ nạn nhân đã dám tố cáo ông Chương Văn cưỡng hiếp sau một bữa tiệc hồi tháng 5.
Sau đó, 6 người khác cáo buộc ông quấy rối, sàm sỡ họ. Tưởng Phương Châu, Phó tổng biên tập tạp chí New Weekly ở Quảng Đông, cho biết ông Chương Văn từng sờ mó bà. Nhà báo Dị Tiểu Hòa cùng ngôi sao truyền hình Vương Yến Vân cũng trong số những người tố cáo.
Ngày 25.7, nhà báo Chương Văn phủ nhận mọi cáo buộc. Ông tuyên bố việc người trong giới trí thức và giới truyền thông “cùng chụp ảnh, ôm hôn nhau sau khi uống rượu” là chuyện bình thường.
Những vụ cáo buộc đã khiến ít nhất một người bị mất việc: ngày 23.7, ông Lôi Sấm đã thừa nhận chuyện quấy rối tình dục và từ chức chủ tịch tổ chức từ thiện phi chính phủ Ức Hữu do ông thành lập.
Ngày 24.7, nhà đấu tranh vì môi trường Phùng Vĩnh Phong lên tiếng nhận lỗi, cho biết bản thân đã làm sai do không khống chế được sau khi uống rượu.
Ngày 26.7, hai học giả làm việc tại Đại họcTruyền thông Trung Quốc (CUC) bị sinh viên tố cáo có hành vi tấn công tình dục. Trường này lập tức tiến hành điều tra, cam kết xử lý nghiêm nếu cáo buộc là đúng.
Đáng chú ý hơn, một nhân vật nổi tiếng của Đài truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV) ngày 26.7 cũng bị dính cáo buộc, nhưng đoạn tố cáo người này đã bị trang mạng xã hội Weibo gỡ xuống.
Bích Ngọc (theo AP, Reuters)
Nguồn: motthegioi.vn