Float banner Left 160x600

Float banner Left 160x600

Tại sao đường phố Nhật Bản không có cọng rác nào?

Ảnh minh họa: tuoitre.vn

Trong Phật giáo Thiền tông, những công việc nhỏ hằng ngày như quét dọn, nấu ăn cũng được xem là tu luyện tinh thần như ngồi thiền. Đây là văn hóa, triết lý sống của người Nhật.

Hầu hết du khách đến Nhật Bản lần đầu đều ngạc nhiên bởi sự sạch sẽ, ngăn nắp ở mọi nơi. Đặc biệt, trên đường phố hầu như không có thùng rác lẫn người quét dọn. Làm sao họ giữ được như vậy?

Câu trả lời đơn giản là mỗi người Nhật đều tự ý thức gìn giữ môi trường sống.

“Trong suốt 12 năm cắp sách đến trường, từ tiểu học lên tới trung học phổ thông, công việc dọn vệ sinh luôn nằm trong thời gian biểu của tất cả học sinh. Ở nhà, các ông bố, bà mẹ luôn dạy trẻ con rằng sống bừa bãi là một điều không hay” – bà Maiko Awane, một công chức nhà nước, mô tả.

Tiếng lành đồn xa

Khi những cô, cậu bé lớn lên, thái độ của chúng đối với không gian sống không chỉ dừng lại ở trường lớp, nhà ở mà còn bao gồm tất cả những gì chúng gọi là quê hương, tổ quốc.

Nhiều năm qua, thế giới cũng đã chứng kiến một số ví dụ cho sự ngăn nắp điển hình của người Nhật. Ở Giải vô địch bóng đá thế giới năm 2014 tại Brazil, cổ động viên đội tuyển quốc gia Nhật Bản khiến cả thế giới ngả mũ bằng hành động ở lại dọn vệ sinh khán đài sau trận đấu.

Các cầu thủ Nhật ra về thì để lại một phòng thay đồ sạch bóng. Chuyện hiếm đến mức người điều phối của FIFA Priscilla Janssens viết trên Twitter khen ngợi: “Thật là một tấm gương cho tất cả các đội”.

“Người Nhật chúng tôi rất nhạy cảm về hình ảnh của mình trong mắt người khác. Chúng tôi không muốn mọi người nghĩ chúng tôi là người xấu, không được học hành, dạy dỗ đến chốn để làm một việc đơn giản là dọn vệ sinh” – bà Awane giải thích.

Tại các sự kiện lễ hội ở Nhật, cảnh tượng cũng giống như Brazil. Mỗi khán giả tự giữ rác của mình cho đến khi tìm thấy thùng rác; người hút thuốc tự mang theo gạc tàn, không để khói ảnh hưởng người xung quanh…

Trong cuộc sống hằng ngày cũng vậy, từ 8h sáng, nhân viên văn phòng quét dọn các con đường xung quanh công ty; trẻ con xung phong mỗi tháng đi nhặt rác quanh trường học… Tất nhiên không có gì nhiều để họ dọn vì vốn dĩ mọi người đã tự mang rác về nhà mình.

Ở Nhật, khi bị cảm hoặc cúm, mọi người mang khẩu trang y tế để không lây cho người khác. Đây là một biểu hiện đơn giản vì cộng đồng, càng ít người nhiễm bệnh, xã hội tiết kiệm được chi phí chăm sóc y tế và tránh tổn thất do năng suất lao động giảm.

Một nét văn hóa

Chuyện ngăn nắp của người Nhật không phải là hiện tượng mới. Năm 1600, khi lần đầu tiên đặt chân đến Nhật, nhà hàng hải người Anh Will Adams đã hết sức ngạc nhiên trước những cái cống thoát nước và toilet sạch như mới, trong khi quê nhà ông thời đó “xú uế nằm đầy đường”. 

Trong ấn phẩm Samurai William, tác giả Giles Milton mô tả rằng “người Nhật phải nói là kinh hoàng trước sự thờ ơ của dân châu Âu với vệ sinh cá nhân”.

Bên cạnh ý thức về sức khỏe và môi trường, người Nhật ở sạch còn do ảnh hưởng của đạo Shinto bản địa và Phật giáo Thiền tông du nhập từ Trung Quốc và Hàn Quốc giai đoạn thế kỷ thứ 6 đến thế kỷ thứ 8.

“Trong Thiền tông, tất cả hoạt động hằng ngày, bao gồm ăn uống, quét dọn, đều là dịp để tu tập. Việc làm sạch đất cát, cả trong thực tế và trong tinh thần, đều đóng một vai trò quan trọng” – bà Eriko Kuwagaki, thuộc đền Shinshoji (TP Fukuyama, tỉnh Hiroshima), diễn giải.

Còn trong ấn phẩm Sách nói về Trà, học giả Okakura Kakuro mô tả về không gian trà đạo như sau: “Trong căn phòng mọi thứ phải tuyệt đối sạch sẽ. Không hạt bụi nào còn hiện diện kể cả trong cái góc tối tăm nhất, nếu không, người chủ không phải là bậc thầy về trà“.

Ông Okakura viết những dòng đó hồi năm 1906, đến giờ mọi thứ vẫn đúng y như vậy. Nếu sống ở Nhật, bạn phải học cách không xì mũi nơi công cộng, dùng nước rửa tay trong tiệm ăn và văn phòng, học cách phân rác trong nhà thành 10 loại để tái chế…

Theo Phúc Long / tuoitre.vn