Merkel đã lèo lái châu Âu và nước Đức vượt qua nhiều khủng hoảng, nhưng một số chính sách của bà có thể trở thành thách thức cho người kế nhiệm.
Trong 16 năm làm thủ tướng Đức, Angela Merkel đã xây dựng được một hình ảnh quốc tế đáng tin cậy nhờ phong thái quyết đoán, bình tĩnh, lý trí, cũng như qua cách bà xử lý các thách thức như cuộc khủng hoảng tài chính khu vực đồng tiền chung châu Âu (eurozone), khủng hoảng người di cư và đại dịch Covid-19.
Ngày nay, Đức là một cường quốc kinh tế, đầu tàu của châu Âu, thịnh vượng và có tỷ lệ thất nghiệp rất thấp bất chấp đại dịch. Nhưng câu hỏi đặt ra là những lợi thế này liệu có thể kéo dài?
Câu hỏi này càng được quan tâm hơn khi Merkel chuẩn bị rời sân khấu chính trị. Quốc hội Đức dự kiến bầu Olaf Scholz, lãnh đạo đảng Dân chủ Xã hội (SDP), giữ chức thủ tướng Đức thay Merkel trong tuần này, kết thúc 16 năm cầm quyền của bà.
Có những dấu hiệu cho thấy Đức đang ngày càng dễ bị tổn thương về kinh tế, đánh mất khả năng cạnh tranh và chưa chuẩn bị kỹ lưỡng cho một tương lai được định hình bởi công nghệ và cạnh tranh Mỹ – Trung, giới chuyên gia nhận định.
Theo các nhà kinh tế, dưới nhiệm kỳ của Thủ tướng Merkel, Đức đã lơ là xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật số, vội vàng từ bỏ phát triển năng lượng hạt nhân và trở nên phụ thuộc một cách đáng báo động vào Trung Quốc như một thị trường tiêu thụ ôtô và các mặt hàng xuất khẩu chủ lực khác.
Câu hỏi liên quan đến Trung Quốc đặc biệt phức tạp. Động lực tăng trưởng mạnh mẽ của Đức trong nhiệm kỳ của Merkel phần lớn là kết quả từ hoạt động thương mại với Trung Quốc mà bà đã nỗ lực thúc đẩy. Tuy nhiên, Trung Quốc đang có xu hướng trở thành đối thủ cạnh tranh ngày càng gay gắt với Đức trong các lĩnh vực như máy móc công nghiệp hay xe điện.
Các nhà kinh tế cho rằng Đức đã không đầu tư đủ vào giáo dục và những công nghệ mới nổi như trí tuệ nhân tạo và xe điện. Người Đức phải trả mức giá năng lượng gần như cao nhất trên thế giới vì Thủ tướng Merkel đã vận động đóng cửa các nhà máy điện hạt nhân, trong khi không mở rộng mạng lưới năng lượng tái tạo để bù đắp thâm hụt.
“Điều đó sẽ quay trở lại ám ảnh nước Đức trong 10 năm tới”, Guntram Wolff, giám đốc Viện nghiên cứu Bruegel ở Brussels, Bỉ, nhận xét.
Merkel chưa bao giờ đối diện với những áp lực buộc bà phải tập trung vào các chính sách kinh tế cơ bản vì nền kinh tế Đức đã phát triển vượt bậc trong nhiệm kỳ của bà. Đức đã phục hồi sau đại dịch nhanh hơn các nước châu Âu khác như Pháp hay Italy. Nhưng đại dịch cũng đã cho thấy tình trạng phụ thuộc kinh tế của Đức vào Trung Quốc.
Năm 2005, thị trường Trung Quốc chỉ chiếm một phần nhỏ trong xuất khẩu Đức. Năm ngoái, họ đã vượt Mỹ, trở thành đối tác thương mại lớn nhất. Đến nay, Trung Quốc là thị trường lớn nhất của các nhà sản xuất ô tô Đức như Volkswagen, Mercedes-Benz hay BMW. Nhiều công ty Đức trang bị cho các nhà máy Trung Quốc máy công cụ và những mặt hàng công nghiệp khác giúp đưa Trung Quốc trở thành cường quốc xuất khẩu.
Tính đến năm ngoái, Trung Quốc tiếp tục là đối tác thương mại lớn nhất của Đức trong 5 năm liên tiếp. Theo tính toán sơ bộ, Đức và Trung Quốc đã trao đổi lượng hàng hóa trị giá tới 258 tỷ USD vào năm 2020.
Theo Cục Thống kê Liên bang Đức, kim ngạch thương mại giữa hai nước đã tăng 3% so với năm 2019, bất chấp ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Để so sánh, trao đổi thương mại giữa Đức với các đối tác lớn khác đã giảm đáng kể trong năm ngoái, giảm 8,7% với Hà Lan và 9,7% với Mỹ.
Về nhập khẩu, Đức mua khoảng 131,3 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc vào năm 2020, tăng 5,6% so với năm trước, trong khi nhập khẩu từ Hà Lan và Mỹ giảm lần lượt 9,6% và 5%, tương đương 99,9 tỷ USD và gần 76,6 tỷ USD.
Mỹ vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Đức và Trung Quốc xếp thứ hai. Tuy nhiên, xuất khẩu của Đức sang Trung Quốc chỉ giảm 0,1% trong năm 2020, trái ngược với mức giảm lên đến 12,5% với Mỹ và 14,6% với Pháp.
Thủ tướng Merkel không đi sâu vào vấn đề nhân quyền trong quan hệ với Trung Quốc, thay vào đó bà khuyến khích làm sâu sắc hơn hợp tác kinh tế. Bà đã tiếp đón nhiều lãnh đạo Trung Quốc tại Berlin và đi công tác 12 lần tới Bắc Kinh cùng những thành phố khác ở Trung Quốc, với đoàn tháp tùng thường xuyên có các lãnh đạo doanh nghiệp Đức. Nhưng mối liên kết kinh tế này khiến Đức ngày càng dễ bị tổn thương trước áp lực từ Trung Quốc.
Cuối năm ngoái, Thủ tướng Merkel và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã thúc đẩy một thỏa thuận đầu tư với Trung Quốc trước sự phản đối của Mỹ, bỏ qua ý kiến của các đồng minh châu Âu khác.
“Đức rõ ràng đang dẫn dắt chính sách đối với Trung Quốc trong Liên minh châu Âu (EU)”, Theresa Fallon, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Nga, châu Âu và châu Á ở Brussels, đánh giá. Sự phụ thuộc kinh tế của Đức vào Trung Quốc “đang tạo ra bất đồng trong quan hệ xuyên Đại Tây Dương”.
Những người ủng hộ Merkel cho rằng bà đã giúp nền kinh tế Đức né được một số viên đạn chí mạng. Bản năng chính trị nhạy bén của bà đã cho thấy giá trị trong cuộc khủng hoảng nợ khu vực eurozone vào năm 2010, từng suýt phá hủy đồng tiền chung mà Đức và 18 quốc gia khác cùng sử dụng.
Merkel được cho là luôn kiểm soát tốt những người cứng rắn trong Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU/CSU) của bà khi Ngân hàng Trung ương châu Âu in tiền để giúp các nước gặp khó khăn lúc bấy giờ như như Hy Lạp, Italy và Tây Ban Nha.
Tỷ lệ thất nghiệp của Đức đã giảm dưới thời Merkel, tuy nhiên, đang tồn tại nhiều công việc có mức lương thấp và hạn chế cơ hội phát triển. Kết quả là chênh lệch xã hội gia tăng, dân số già nhanh ngày càng bị đe dọa bởi đói nghèo.
“Trong 15, 16 năm qua, số người sống dưới mức nghèo khổ và bị đe dọa đã tăng lên rõ ràng”, Marcel Fratzscher, nhà kinh tế tại viện nghiên cứu D.I.W ở Berlin, nhận định.
Việc Thủ tướng Merkel không đầu tư nhiều hơn vào cơ sở hạ tầng, nghiên cứu và giáo dục, mặc dù có xuất thân là tiến sĩ vật lý, cũng phản ánh sự ác cảm của người Đức đối với nợ công. Schäuble, với tư cách bộ trưởng tài chính, đã thực thi chính sách tài khóa ưu tiên thặng dư ngân sách hơn đầu tư. Quốc hội Đức, do đảng của Merkel kiểm soát, thậm chí còn đưa mục tiêu cân bằng ngân sách thành luật.
Các chính sách tiết kiệm được đón nhận bởi người dân Đức, những người luôn liên kết thâm hụt chi tiêu với lạm phát không thể kiểm soát. Nhưng các chính sách này cũng khiến Đức tụt lại sau nhiều nước khác.
Kể từ năm 2016, Đức đã trượt từ vị trí thứ 15 xuống vị trí thứ 18 trong bảng xếp hạng về năng lực cạnh tranh kỹ thuật số của Viện Quản lý và Phát triển ở Lausanne, Thụy Sĩ.
Theo Bộ Lao động Đức, 40-50% tổng số người lao động nước này sẽ phải được đào tạo lại các kỹ năng kỹ thuật số để tiếp tục làm việc trong vòng một thập kỷ tới. Hầu hết các trường học ở Đức thiếu Internet băng thông rộng và giáo viên không muốn sử dụng các công cụ học tập kỹ thuật số, điều trở nên tồi tệ rõ ràng khi đại dịch Covid-19 bùng phát.
“Công nghệ là chiến lược, là công cụ cạnh tranh mang tính hệ thống”, Omid Nouripour, nhà lập pháp thuộc đảng Xanh, nhấn mạnh trong một cuộc thảo luận trực tuyến do Ngân hàng Berenberg tổ chức hồi tháng 9. “Chúng ta đã không có đủ nhận thức về điều đó trong quá khứ”.
Nhu cầu hiện đại hóa trở nên cấp thiết hơn khi biến đổi khí hậu ngày càng trở nên nghiêm trọng và xu hướng chuyển dịch sang xe điện đang đe dọa vị thế của các nhà sản xuất ô tô hạng sang Đức.
Tesla đã chiếm được một thị phần đáng kể từ tay BMW, Mercedes-Benz và Audi, đồng thời đang xây dựng nhà máy gần Berlin để thách thức Đức ngay trên sân nhà.
“Điều rất quan trọng đối với Đức là phải tạo ra môi trường cộng sinh giữa một chính sách khí hậu đầy tham vọng và một chính sách kinh tế mạnh mẽ”, Ola Källenius, giám đốc điều hành nhà sản xuất ô tô Daimler, hồi tháng 3 nói.
Giới lãnh đạo doanh nghiệp sản xuất ô tô không chỉ trích Merkel, người luôn ủng hộ mạnh mẽ lợi ích của họ cả ở trong và ngoài nước. Nhưng họ đổ lỗi cho chính phủ do bà dẫn dắt khi phản ứng chậm chạp trước xu hướng chuyển sang xe điện.
“Khuôn khổ cho quá trình chuyển đổi này trong ngành công nghiệp ô tô vẫn chưa hoàn thiện”, Oliver Zipse, giám đốc điều hành BMW, chủ tịch Hiệp hội các Nhà sản xuất ô tô châu Âu, đánh giá. “Chúng ta cần một khung chính sách ngành bắt đầu với cơ sở hạ tầng sạc điện cho phương tiện”.
“Chúng ta đang cạnh tranh kinh tế với Mỹ, Bắc Mỹ, Trung Quốc, và các nước châu Á mạnh mẽ khác. Chúng ta cần một chính sách kinh tế đảm bảo rằng châu Âu vẫn hấp dẫn đầu tư”, Källenius từ Daimler nhấn mạnh.
Vũ Hoàng (Theo NY Times)