Kỷ lục nhiệt độ trên thế giới đã bị phá vỡ hoàn toàn bởi một đợt nắng nóng bất thường mang tính toàn cầu với nhiều người thiệt mạng trong tuần qua.
Nắng nóng khiến các con đường bị rạn nứt ở Anh còn thị trấn Motherwell ở Sclotland có nhiệt độ cao kỷ lục từ trước đến nay là 33,2 độ C.
Cơ quan thời tiết Meteo France của Pháp đã ban hành cảnh báo thời tiết màu cam tại nhiều khu vực trên cả nước còn quốc gia Trung Đông Oman đã ghi nhận nhiệt độ nóng nhất thế giới về đêm.
Đã có ít nhất 8 người thiệt mạng khi nắng nóng lan rộng khắp khu vực Bắc Mỹ với thủ phủ bang Colorado là Denver trở thành nơi có nhiệt độ cao kỷ lục ở khu vực là 40,5 độ C; thành phố Montreal ở Canada đã ghi nhận nhiệt độ nóng nhất từ 147 năm qua là 36,6 độ C và đã có 6 người thiệt mạng ở đây.
Tình hình nhiều khả năng tồi tệ hơn nữa khi các chuyên gia khí tượng cảnh báo nhiệt độ cao đến mức cực đoan sẽ tiếp tục khiến Bắc bán cầu, dẫn đến khả năng ngột ngạt đến khó thở trong thời gian tới.
Các nhà khoa học cho rằng quy mô của hiện tượng nắng nóng bất thường trong tuần qua là do tình trạng ấm lên toàn cầu. “Các mùa hè đang trở nên nóng bức hơn” – nhà khoa học Friederike Otto của ĐH Oxford chuyên nghiên cứu về nắng nóng ở châu Âu cho biết.
“Nếu chúng ta không làm gì để giảm phát thải khí nhà kính thì kiểu nhiệt độ cực đoan chúng ta đang thấy trong mùa hè này sẽ là ‘chuyện thường ngày ở huyện’ khi con trai tôi đến tuổi trưởng thành” – ông Otto chia sẻ.
Các chuyên gia dự đoán bầu không khí nóng bức này sẽ bao trùm khu vực đông bắc của Bắc Mỹ trong vòng ít nhất một tuần nữa và lan rộng về phía tây vào cuối tuần này.
Ở phía bên kia Đại Tây Dương, khí hậu ôn hòa hơn nhờ sự giải nhiệt từ dòng Gulf Stream. Dù vậy mùa hè 2018 vẫn là một trong những mùa hè nắng nóng kỷ lục nhất từng được ghi nhận tại khu vực này từ trước đến nay.
Viện Y tế Cộng đồng Anh (PHE) đã ban hành cảnh báo sức khỏe mức 2 vì nắng nóng bất thường. Các chuyên gia dự báo nắng nóng sẽ kéo dài ít nhất thêm 2 tuần nữa tại Anh.
Trong khi các quốc gia Tây Âu chìm trong cơn nắng nóng bất thường thì lục địa Á – Âu cũng không thoát khỏi số phận chung này.
Thủ đô Yerevan của Armenia có nhiệt độ cao đến 42 độ C. Đây là ngày nóng nhất trong tháng 7 của quốc gia này và những ngày khác cũng nóng không kém.
Tại Nga nhiệt độ cũng cao hơn bình thường trong đầu tháng 7. Nhiều địa điểm ở khắc miền nam của quốc gia này có nhiệt độ đã vượt quá nhiệt độ ấm nhất trong tháng 6 của nó.
Pakistan trở thành quốc gia nóng nhất thế giới khi nhiệt độ cao nhất ghi nhận được là 50,2 độ C.
Nắng nóng không phải là một hiện tượng thời tiết cực đoan mới. Tuy nhiên nhà khoa học khí hậu Blair Feltmate của ĐH Waterloo cho biết thời gian kéo dài và sự cực đoan của hiện tượng này có liên quan đến biến đổi khí hậu.
Ông Felrmate nói thêm rằng trên toàn cầu, nhiệt độ trung bình hàng năm trên thế giới đã ấm hơn 1 độ C so với thế kỷ trước.
Theo Anh Thư / tuoitre.vn