TBVĐ- Nói đến thành phố Frankfurt am Main, chắc hẳn ai cũng biết quận ‘Bahnhofsviertel’ nổi tiếng, quận bé nhất sau quận ‘Phố cổ’ (Altstadt), nằm giữa trung tâm với diện tích chỉ xấp xỉ 0,5 km vuông, bắt nguồn từ mảnh đất của nhà ga phía Tây (Westbahnhöfe) trong những năm 1891-1915, dân số gần 1.900 người.
Trước đây 100 năm, đây là một quận danh tiếng của Frankfurt. Nhà ga chính rất rộng lớn đã từng là nhà ga độc nhất vô nhị tại Châu Âu, được khánh thành vào năm 1888, và phố Kaiserstrasse chính là con phố tráng lệ với rất nhiều cửa hàng kinh doanh sầm uất, nhiều khu nhà sang trọng dễ khiến người ta quên đi rằng, Frankfurt đã từng bị đánh bom tan nát.
Đây là một quận ‘đa văn hóa’ tại Frankfurt với số dân nước ngoài cao nhất, gồm 65,8% là người nước ngoài hoặc xuất thân từ những gia đình di dân. Bên cạnh đó, đây cũng là quận mà tỉ lệ trẻ em tính theo dân số nữ thấp nhất ở Frankfurt với 0,86 trẻ/phụ nữ, chỉ hơn một nửa so với tổng số trung bình trên cả nước. Trong thời gian quân đội Mỹ chiếm đóng, tại Bahnhofsviertel dần hình thành một ‘cuộc sống về đêm’ vô cùng phong phú và sôi nổi. Chỉ trên một khoảng đất nhỏ bé, nhưng quá nhiều hình ảnh tương phản nhau: những kẻ buôn bán bất hợp pháp và người đầu tư hợp pháp, những con nghiện và nhà buôn thuốc, những khách hàng tìm đến ‘nhà thổ’ và những nàng gái điếm ‘chân dài’.
Nhiều tôn giáo khác nhau, con người khác nhau, hình ảnh khác nhau – và cũng nhiều tư tưởng dập khuôn khác nhau! Ngược lại với nhìều lời đồn đại, ngành kinh doanh mại dâm (Rotlicht) chỉ bao gồm một phần nhỏ của quận Bahnhofsviertel, tập trung chủ yếu dọc phố Taunusstrasse và ở một vài nơi trên những con phố cắt ngang qua đó. Cảnh nghiện ngập đáng sợ mà ai cũng biết giờ đã giảm đi rõ rệt, nhờ vào tổ chức những phòng tiêm chích và những tụ điểm tập trung riêng cho người nghiện, là một trong những công việc chấp nhận tình trạng nghiện hút, nhưng cũng không muốn chúng lan tỏa thêm ra ngoài xã hội, giảm các bệnh truyền nhiễm và tạo thêm cơ hội giúp đỡ con nghiện trực tiếp hơn, vì thế cảnh con nghiện vật vạ trên đường phố đã biến mất. Thay vào đó là những hình ảnh đa văn hóa: Bên cạnh những nhà hàng của người nước ngoài, Imbiss, cửa hàng thực phẩm và các buôn bán khác như đồ ngọt từ Morocco, nhạc dân tộc của Thổ …, quận Bahnhofsviertel còn có một trung tâm văn hóa Hồi Giáo kèm 3 nhà lễ Moschee, một thợ đóng giầy, và từ năm 2005, tại đây lần đầu hình thành một viện bảo tàng trên phố Münchener Strasse, Viện bảo tàng những cái Búa (Hammermuseum). Phố Münchener Strasse dường như là một ‘căn nhà’ của rất nhiều dân tộc – một cuộc sống chung hòa bình, nhưng vẫn chưa đủ để hiểu và hòa nhập với nhau hơn.
Bước vào con phố này, người ta dễ dàng quên rằng, mình đang đứng giữa Frankfurt, trên nước Đức hoặc giữa Châu Âu. Người dân nói chuyện với nhau bằng đủ mọi thứ tiếng: Ấn Độ, Pakistan, Ả Rập, Tây Ban Nha, Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, Việt Nam v.v… Cô nhân viên thẩm mỹ có tên Bonita, người Columbia, đang bôi mặt nạ sô-cô-la cho khách, anh chàng Alim chuyên bán thịt được mổ xẻ theo luật Hồi giáo, không bao giờ bán thịt lợn, những người Việt thì đang hát Karaoke, cô thợ làm tóc đang quấn tóc cho những người da đen trong tiệm Black-Hair-Saloon của mình … Người nào may mắn sẽ gặp được những nhà sơ theo dòng tu của ‘Đức Mẹ Teresa’, được gọi là ‘các nữ truyền giáo từ thiện’. Họ giúp đỡ những con nghiện và gái điếm bằng những miếng bánh mỳ quết bơ và trải xúc xích hoặc pho-mát. Họ không thích kể lể điều gì. Một nữ tu nói rằng, tín ngưỡng là hành động, không phải kể lể, rồi cô kéo lại áo và đóng cửa để tiếp tục việc cầu nguyện. Ở đây, người ta ai nấy đều biết nhau, nếu gặp là chào hỏi chứ không biến mất trong dòng người không tên như ở những thành phố lớn.
Có một lần, ông thợ đóng giầy Wolfgang Lenz (người Đức) đã quên không khóa tiệm của mình khi ra về. Sáng hôm sau, khi đến nơi, ông thấy một người đang nằm đằng sau cửa sổ vì cả đêm đã trông cửa hàng cho ông để không ai vào lấy trộm! Có thể xảy ra chuyện như vậy thời nay trong một thành phố lớn nữa không? Một câu trả lời phải bỏ ngỏ vì không mong đợi lời giải đáp! Ngay cả cảnh sát trưởng thuộc đồn số 4, ông Gerhard Bogner, cũng rất phấn khởi: ‘Nói một cách phóng đại lên thì, cũng giống như hàng ngày chúng ta được đi du lịch vòng quanh thế giới vậy, chỉ trong một thời gian ngắn nhất vừa có thể đến Châu Phi, qua Cận Đông rồi sang Nam Mỹ.’
Tuy nhiên, Bogner đã quá quen với những cảnh lạ mắt ở đây. Con phố Münchener Strasse luôn có một cuộc sống riêng, dường như có một bức tường vô hình ngăn nó với những phố lân cận vậy. Nó không muốn liên quan đến phố Kaiserstrasse muốn nổi tiếng và cũng không thích phố Taunusstrasse với nhiều nhà thổ, ít sang trọng, không có sự trao đổi buôn bán gì. Phố Münchener Strasse luôn phải đấu tranh bảo vệ tiếng tăm, bởi ở đây, lác đác vẫn có những gái điếm đứng dựa tường đợi khách, nhưng hầu như không có con nghiện nào lai vãng. Bên cảnh sát nói, những hành động phạm tội cũng không hơn những quận khác, đa số là cướp giật ngoài phố, nhưng hầu như chỉ xảy ra trong khu vực các nhà chứa. Có thật vậy không?
Đầu tháng 5 vừa rồi, chàng trai Emeka Okoronkwo vừa bị đâm chết trên con phố này, khi anh giúp đỡ hai phụ nữ, sau khi họ từ Salsa-Disco Changó vừa bước ra và bị hai người đàn ông chòng ghẹo. Chàng trai người Nigeria xông tới, nhưng một trong hai người kia đã rút dao và đâm anh một nhát chí mạng. Chỉ vài giờ sau, Emeka O. qua đời trong bệnh viện. Cảnh sát và người dân cho biết, đây là một thảm kịch, một tai họa không may, một hành động quá tai tiếng, nhưng không liên quan gì đến phố Münchener. Münchener là một con phố của đàn ông, những người giết thời gian trong quán café, họ chơi cờ và yên tâm nhả khói thuốc lên trần nhà, với sự bình tĩnh của những người đàn ông, chỉ cần quay về nhà là bàn ăn đã dọn sẵn chờ họ! Hoặc họ đi cắt tóc tại các tiệm cắt tóc đàn ông, cũng giống như đến một nơi trao đổi thông tin, bởi ‘mỗi người thợ cắt tóc đều giống như một người điều khiển chương trình nói chuyện, khách hàng được nói và được nghe những thông tin mới nhất về gia đình và hàng xóm’, ông Nazim Alemdar của ki-ốt ‘Yok Yok’ kể.
Nhà lễ Hồi Giáo Moschee cũng là một nơi như vậy, không chỉ là nơi đến để cầu nguyện, còn là điểm gặp gỡ của người Hồi Giáo tại các phòng uống trà, phòng học và các điểm tư vấn. Phố Münchener không phải là phố dành cho phụ nữ. Họ ngồi đằng sau máy tính tiền, họ làm tóc và bán hàng, họ dọn hàng lên kệ, làm nghề mát-xa chân hoặc đi chợ cho gia đình. Họ không ngồi trong các quán café, trong các phòng trà ở nhà lễ Moschee và cũng không đến cầu nguyện vào thứ 6. Đối với nhiều người Đức, con phố này đã trở nên xa lạ, cặp vợ chồng già Pönisch đã sống ở đây hơn 40 năm kể, vì không còn nhiều cửa hiệu mà họ thích đến mua sắm, vì hàng xóm cũng dần chuyển đi hết.
Những người Đức mới đến ở trong phố Münchener thường là các nghệ nhân và sinh viên. Họ thích con phố này, thích màu mè và thích cách sống lập dị. Nhưng ‘trong chăn mới biết chăn có rận’, bởi ở đây không hề ‘đa văn hóa’ như người ta tưởng. Ông Alim, chủ siêu thị Thổ và một Imbiss các món cá, chưa bao giờ sang chơi với người Việt. Còn những người Việt đến đây vì muốn hát Karaoke, chứ không bao giờ ăn bánh Döner. Ông thợ đóng giầy Lenz ‘đo ni đóng giầy’ cho tất cả, nhưng ông chỉ mua đồ ăn tại cửa hàng thịt của một người Đức ở góc phố. Còn Harald Statt, chủ quán rượu duy nhất của người Đức trong phố, lại mua áo ở tận đâu đâu, chứ không bao giờ đến hàng ông Arul mua cả. Tuy nhiên, con phố vẫn rất hiền hòa. Chỉ khi nào, những chuyện như người bố quốc tịch Thổ Nhĩ Kỳ có thể làm trưởng ban phụ huynh học sinh của trường, và cô gái người Morocco có thể xin đi học cảnh sát, trở thành những ‘chuyện thường ngày ở huyện’, lúc đó mới có sự hoà nhập thực sự… Lúc đó là bao giờ. Tuy nó còn ở phiá trước, nhưng đối với nhiều người, sống và được sống ở đây, điều đó đã là hạnh phúc!
Cẩm Chi (tổng hợp)