Là quốc gia có nền kinh tế lớn nhất châu Âu, nhưng Đức đang phải đối mặt với bài toán suy giảm dân số, đe dọa đà tăng trưởng của nước này.
Theo Quỹ Bartelsmann, từ nay đến năm 2060, Đức cần ít nhất 260.000 người nhập cư mới/năm để đối phó tình trạng thiếu hụt lực lượng lao động do già hóa dân số. Nghiên cứu do Viện Nghiên cứu về việc làm và Đại học Coburg phối hợp thực hiện cũng cho rằng khoảng 146.000 người trong số 260.000 người nhập cư mới mỗi năm mà nước Đức cần, phải là những người nhập cư đến từ các quốc gia ngoài Liên minh châu Âu (EU). Nếu không có người nhập cư, với tình trạng dân số già như hiện nay, lực lượng lao động ở Đức đến năm 2060 ước tính giảm khoảng 16 triệu người. Khi đó, tình trạng thiếu hụt lao động sẽ có thể gây ra những ảnh hưởng tiêu cực tới nền kinh tế lớn thứ 4 thế giới này. Chính phủ Đức đang trong lộ trình nâng tuổi nghỉ hưu lên mức 67 tuổi, thay cho mức 65 tuổi hiện nay, vào năm 2029, nhưng nhiều dự báo cho thấy kế hoạch này vẫn không thể đảm bảo duy trì lực lượng lao động cần thiết cho nền kinh tế Đức.
Nghiên cứu trên được công bố vào thời điểm cỗ máy kinh tế Đức đang đối mặt nhiều thách thức, khi tranh chấp thương mại gia tăng trên toàn cầu và xuất khẩu sụt giảm. Theo Bộ Kinh tế Đức, đà tăng trưởng kinh tế Đức trong nửa cuối năm 2018 đã chậm lại. Tuy nhiên, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nền kinh tế lớn nhất châu Âu trong năm 2019 vẫn được dự báo sẽ bước vào năm tăng trưởng thứ 10 liên tiếp.
Trước những khó khăn trên, Chính phủ của Thủ tướng Angela Merkel đang nỗ lực thúc đẩy nền kinh tế bằng việc thông qua dự luật nhập cư mới, nới lỏng các quy định nhằm thu hút lao động lành nghề nước ngoài, kể cả người không phải công dân EU. Đây là một trong những cải cách được mong chờ và gây nhiều tranh cãi ở một đất nước mà tâm lý bài ngoại, chống nhập cư đang có xu hướng tăng. Trước làn sóng cực hữu lên cao kể từ khi nước Đức mở cửa đón nhận gần 1 triệu di dân năm 2015, phe bảo thủ đã yêu cầu có những điều chỉnh dự luật. Dự luật cũng đề xuất nới lỏng các thủ tục cấp thị thực cho lao động nước ngoài. Để có hiệu lực, dự luật nói trên sẽ phải được Quốc hội phê chuẩn. Dự luật này nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, vốn trước đây phải chịu sự cạnh tranh với các doanh nghiệp lớn trong việc thu hút lao động lành nghề. Để thu hút lao động lành nghề từ nước ngoài, Chính phủ Đức còn mở trang thông tin “Make it in germany.com”.
Theo giới chuyên gia về đào tạo ngành nghề ở Berlin, không có lao động nước ngoài, kinh tế Đức không thể trụ vững ở vị trí hàng đầu châu Âu. Nước Đức cần nhân lực từ các nước thứ 3 để đảm bảo sự thịnh vượng của mình và có thể bổ sung vào những công việc chưa có người làm. Nếu được quốc hội thông qua, luật mới có thể giải quyết được nhiều vấn đề của kinh tế Đức. Một số khuyến cáo cũng cho rằng bên cạnh việc thu hút được các lao động lành nghề có trình độ trung bình và tay nghề cao, Chính phủ Đức cần phát triển các chương trình hội nhập mạnh mẽ hơn.
Theo Thanh Hằng / sggp.org.vn