TBVĐ- Vào ngày 20 và 21 tháng 3 vừa qua, tại Berlin đã diễn ra Hội nghị mang tên “Tình trạng nghèo và sức khỏe” (“Armut und Gesundheit”) với gần 2000 cá nhân và hội đoàn tham dự.
Ngoài những khía cạnh như báo động béo phì, nghiện thuốc lá và các bệnh về tâm lý, các chuyên gia đã công bố nhiều báo cáo về mối liên quan giữa địa vị xã hội, mức thu nhập của một gia đình với sức khỏe của con cái.
Theo kết quả từ một khảo sát lớn mang tên KIGGS của Viện Robert-Koch- Institut (viết tắt là RKI) thì tình trạng nghèo và sức khỏe có ảnh hưởng rất chặt chẽ với nhau, đặc biệt trẻ em là thành phần phải chịu nhiều thiệt hại hơn cả.
Đây là những dữ liệu đã được theo dõi và thống kê trong quãng thời gian từ năm 2014 đến 2017, nhằm cung cấp cho người dân những thông tin về bảo vệ và giữ gìn sức khỏe – ông Lothar H. Wieler, chủ tịch Viện RKI cho biết.
Những dữ liệu chỉ ra rõ rằng, hơn một nửa số trẻ em nếu đã bị béo phì trong độ tuổi từ 2-6 tuổi thì khi lớn hơn ở tuổi thanh thiếu niên cũng không sao giảm cân được. Vì thế, ông Wieler đồng thời khuyến cáo các bậc cha mẹ nên quan tâm đến con cái và ngay từ đầu đã có những biện pháp phòng chống hiệu quả, lâu dài.
Không những vậy, thống kê còn cho thấy một mối quan hệ chặt chẽ giữa tình trạng nghèo nàn với trạng thái sức khỏe kém, đặc biệt ở trẻ em. Theo đó, những gia đình mà cha mẹ có thu nhập và mức học vấn thấp thì con cái thường có thể lực kém, tình trạng sức khỏe kém hơn những trẻ trong gia đình giàu có và cha mẹ học cao hơn. Tiến sỹ Thomas Lampert thuộc Viện RKI cũng nhấn mạnh: “Những người có thu nhập thấp chỉ đạt mức tuổi thọ trung bình ít hơn 8-11 năm so với người có thu nhập cao.” Họ thường hay mắc các bệnh về tim mạch, tai biến và bệnh đường. Và dường như sự chênh lệch này ngày càng rõ rệt hơn.
Bà Susanna Rinne-Wolf thuộc Hiệp hội các bà đỡ Berlin cảnh báo rằng: Trẻ em thuộc những gia đình nghèo khó thường sẽ phải đối diện với những lo sợ mưu sinh, luôn cảm thấy tự ti, không dám nhờ vả ai giúp đỡ, thậm chí ngày càng xa cách với xã hội hiện đại, thu hẹp mình, dễ mắc bệnh trầm cảm. Những thiệt thòi này không thuyên giảm khi trẻ ngày càng lớn, mà ngược lại, chúng còn ảnh hưởng nặng đến việc học tập của trẻ.
Cũng tại hội nghị này, bác sỹ Uwe Denker đã đưa ra ý kiến lập một Quỹ bảo hiểm y tế chung và miễn phí cho tất cả trẻ em dưới 18 tuổi sống tại Đức. Ông là người đầu tiên đã mở phòng khám không biên giới vào năm 2010 dành cho tất cả những người nghèo đều được đến khám miễn phí.
Tuy nhiên, theo thông báo từ hội nghị thì mặc dù nền tảng thiết lập các chính sách y tế và bảo vệ sức khỏe tại Đức vẫn là ý thức đoàn kết cao, tuy nhiên ngày càng có xu hướng phát triển cạnh tranh và đòi hỏi ý thức cá nhân, mỗi người phải tự quan tâm bảo vệ sức khỏe của bản thân mình, mặc dù nhiều yếu tố lại không do cá nhân mỗi người có thể kiểm soát được.
Vì thế các chuyên gia có mặt tại hội nghị về sức khỏe đều thống nhất ý kiến rằng, vấn đề cải thiện những chính sách y tế và tạo ra cơ hội bình đẳng cho tất cả mọi người đều liên quan đến mọi ban ngành xã hội – nghĩa là để cải tiến những tiêu chuẩn sống và lao động cần có sự kết hợp chặt chẽ của các chính sách kinh tế, thị trường, giáo dục và xã hội.
Anh Thư