TBVĐ – Ở Đức trước lần hiến máu đầu tiên, mỗi người phải khai một mẫu đơn gồm 37 câu hỏi về tình trạng sức khỏe và tiền sử bệnh của bản thân.
Tại Đức, trong trường hợp gặp phải tai nạn hoặc bị bệnh hiểm nghèo, cơ hội truyền máu cho nạn nhân và người bệnh khá lớn, hiện ở mức 50-80%. Nhưng ngược lại, số người hưởng ứng và tình nguyện hiến máu nhân đạo còn rất thấp. Đây là một việc mà ai cũng nên tự ý thức được tầm quan trọng của nó, bởi hành động tưởng như nhỏ bé này rất cần thiết để cứu giúp tính mạng con người. Số người hiến máu nhân đạo tại Đức hiện chỉ khoảng 3%, trong khi tới 30-50% dân số có khả năng làm việc này, nghĩa là bất cứ người nào đạt cân nặng tối thiểu 50kg và đã tròn 18 tuổi đều có thể hiến máu, thậm chí cả những người già từ tuổi 70 trở lên, nếu bác sỹ cho phép.
Trước lần hiến máu đầu tiên, mỗi người phải khai một mẫu đơn gồm 37 câu hỏi về tình trạng sức khỏe và tiền sử bệnh của bản thân, ví dụ: Có uống rượu trong vòng 24 giờ không? Trong 4 tháng vừa rồi, bạn đã hoặc đang có quan hệ tình dục với gái mại dâm không? Có đi xăm mình, châm cứu, xỏ lỗ tai/mỗ mũi không? Trong 12 tháng trước đây, bạn có ra nước ngoài lần nào không? Có mắc các bệnh dị ứng, hen suyễn, Heuschnupfen (dị ứng mũi mùa hè), bệnh phát ban ngoài da (không rõ nguyên nhân)? Có nghiện rượu, ma túy hay bất cứ loại dược phẩm nào không? Hai tuần qua, bạn có chạm đến thú vật chết tìm thấy trên đường không? Bạn hoặc một người thân nào cùng dòng máu trong gia đình bạn mắc chứng loãng máu và dễ chảy máu không? Lý do phải trả lời những câu hỏi này là vì: Mặc dù máu dự trữ sẽ được đem đi xét nghiệm, nhưng một số bệnh thường chỉ xuất hiện sau khi bị nhiễm một thời gian, nhưng người vừa bị nhiễm bệnh lại có thể lập tức truyền bệnh đó qua người khác, ví dụ như virus HIV sau 4-6 tuần bị nhiễm mới có phát hiện bằng cách thử máu, nhưng lây lan thì ngay sau khi nhiễm virus.
Người hiến máu cần giữ gìn sức khỏe thật tốt, ví dụ nên ăn sáng đủ chất, uống đủ nước (từ 1-1,5 lít) cũng như ngủ đủ giấc, như vậy có thể tránh được mỏi mệt, không bị hạ huyết áp và ngăn chặn tình trạng bị chóng mặt. Tại nơi hiến máu cần trình chứng minh thư (ít nhất phải còn 3 tháng thời hạn). Trước khi hiến máu, người tình nguyện phải ký giấy cam đoan những lời khai đều là sự thật và đúng với lương tâm, bởi họ sẽ là người hoàn toàn phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, khi người nhận máu gặp thiệt hại hay rủi ro gì mà nguyên nhân là do người hiến máu giấu diếm, che đậy thông tin bệnh trạng của mình.
Sau khi kê khai xong mẫu đơn, bác sỹ chuyên khoa máu sẽ trò chuyện và kiểm tra sức khỏe trong phòng riêng. Đây là người sẽ phê chuẩn điều kiện được hiến máu. Sau khi hiến máu xong, người tình nguyện phải nán lại vài phút, chỉ khi thấy mình ổn, không bị quay cuồng, chóng mặt thì họ có thể ra về. Tổng cộng một lần đến hiến máu có thể mất khoảng một tiếng rưỡi. Một số người sau đó bị thâm tím ở khu vực lấy máu trên cánh tay, một số khác thậm chí còn bị dị ứng, nhưng tỉ lệ nói chung đều thấp. Không nên lao động nặng ngay sau lúc hiến máu, chỉ làm những việc nhẹ, từ tốn. Vì mỗi người lớn có khoảng 5-6 lít máu trong cơ thể, vì vậy cho đi dù chỉ nửa lít cũng là một vấn đề không đơn giản chút nào. Người đến hiến máu nhân đạo không được trả tiền, nhiều lắm chỉ dưới dạng thù lao, ví dụ Dịch vụ Hiến Máu Nhân Đạo Haema trả 20 Euro, nhưng thường là có bánh mỳ kẹp sẵn để có thể bổ sung lại năng lượng ngay, hoặc một món quà nhỏ để cám ơn, ví dụ Hội Chữ Thập Đỏ hiện đang tặng các tình nguyện viên một giỏ thực phẩm.
Tất cả những đơn vị máu thu về sẽ được đem đi kiểm tra nhóm máu, kháng thể và các bệnh truyền nhiễm (như HIV, virus viêm gan B, virus viêm gan C, giang mai, sốt rét, virus tiền ung thư máu v.v…). Nếu tìm được gì bất thường, người hiến máu sẽ nhận được thông báo, ngược lại, máu sẽ được hệ thống hóa và áp dụng phương pháp bảo quản đặc biệt. Sau 1-2 ngày, các bệnh viện và bác sỹ có thể lấy để sử dụng.
Máu hiến nhân đạo được dùng trong các trường hợp tai nạn giao thông, tai nạn nghề nghiệp hoặc tai nạn trong nhà (12%), 19% là dùng cho người đang mắc bệnh ung thư, để điều trị các bệnh như tim mạch hoặc viêm dạ dày và ruột thì mỗi bệnh cần khoảng 16%. Số còn lại để dùng trong quá trình trị bệnh gan và thận, thiếu máu, các bệnh về máu, khi sản phụ gặp sự cố, các bệnh về xương, khớp và nhiều bệnh khác v.v…
Nam giới có thể hiến máu tối đa 6 lần/năm, phụ nữ 4 lần. Tuy nhiên, giữa hai lần hiến máu phải cách nhau ít nhất 8 tuần. Nếu chỉ hiến huyết tương thì có thể hiến tới 45 lần/năm.
Tại Sachsen và Thüringen, dịch vụ Haema có rất nhiều trung tâm nhận hiến máu mở cửa từ thứ hai đến thứ bảy. Hội Chữ Thập Đỏ tuy không tổ chức nhiều buổi hiến máu tại trung tâm, nhưng họ lại có đội ngũ bác sỹ, y tá nhận máu lưu động. Một số bệnh viện cũng cho phép công dân đến hiến máu như Viện Huyết Học-Truyền Máu thuộc Bệnh Viện Đại Học Leipzig.
Minh Quân (tổng hợp)