Bất chấp cấm vận, mối quan hệ thương mại giữa Nga và Đức đang tăng nhanh tới 22% trong năm ngoái, theo Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Ngày 18.8, Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Nga Vladimir Putin đã có cuộc gặp ở thủ đô Berlin, tuy nhiên cuộc gặp lần này diễn ra với hình thức bất thường, khi hai bên tổ chức họp báo chung trước khi bắt đầu hội đàm chính thức. Sau cuộc hội đàm, bàn về các vấn đề kinh tế, tình hình Ukraine, Syria… cả hai không đưa ra thêm tuyên bố chung nào.
RT cho biết lãnh đạo hai nước chủ yếu nói chuyện kinh tế trong cuộc gặp kéo dài 3 giờ ở cung điện Schloss Meseberg (ngoại ô Berlin) này.
Tổng thống Putin và Thủ tướng Merkel đã nhất trí dự án Dòng chảy Phương Bắc 2 không được phép “chính trị hóa” và bày tỏ quyết tâm hoàn thành dự án.
Ông Putin nói rằng việc hoàn thành dự án Dòng chảy Phương Bắc 2 không có nghĩa là Nga dừng quá cảnh khí đốt qua Ukraine, vốn mang lại một nguồn tài chính đáng kể cho Kiev mỗi năm. Nhiều chính trị gia châu Âu, trong đó có Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk từng bày tỏ lo ngại rằng nếu Nga xây xong dự án Dòng chảy Phương Bắc 2 thì Ukraine sẽ mất 2,5 tỉ euro phí quá cảnh khí tự nhiên mỗi năm.
“Tôi hiểu vị trí của Thủ tướng Đức khi bà ấy tiếp tục nêu lo ngại của mình. Tất cả những gì quan trọng với chúng tôi là chuyện quá cảnh này khả thi về mặt kinh tế và nó có ý nghĩa kinh tế”, ông Putin nói.
“Chúng tôi hy vọng rằng dự án này sẽ cải thiện hệ thống năng lượng châu Âu, đa dạng hóa các tuyến vận chuyển khí đốt và đáp ứng nhu cầu khí tự nhiên ngày càng tăng của các nền kinh tế châu Âu”, ông Putin nói thêm.
Dòng chảy Phương Bắc 2 là dự án đường ống dẫn khí trị giá 11 tỉ USD, được Nga hy vọng sẽ đưa tới châu Âu lượng khí tự nhiên tăng gấp đôi so với hiện nay và không thể bị ách tắc vì những lý do chính trị.
Ông Putin cũng cho biết Đức là “một trong những đối tác thương mại hàng đầu của chúng tôi”, tăng 22% trong năm ngoái (lên mốc 55 tỉ USD). “Từ tháng 1 đến tháng 6 năm nay, hai nước duy trì tốc độ tăng trưởng thương mại tới 25%”, ông Putin nói thêm.
Ngoài vấn đề kinh tế, lãnh đạo Nga – Đức cũng bàn về tình hình Ukraine, khi hai bên lấy làm tiếc về việc thực thi thỏa thuận hòa bình Minsk bị đình trệ. Ngoài ra, hai nhà lãnh đạo cũng thảo luận về việc duy trì thỏa thuận hạt nhân Iran.
Về cuộc xung đột Syria, Tổng thống Putin đã chỉ ra việc dòng người tị nạn hồi hương ngày càng lớn, đồng thời kêu gọi các nước châu Âu hỗ trợ để giúp người tị nạn Syria không phải rời bỏ nhà cửa một lần nữa.
Đức và EU vẫn duy trì lệnh cấm vận kinh tế chống Nga kể từ khi cuộc khủng hoảng Ukraine bùng nổ hồi năm 2014 đến nay.
Ái Vi (theo RT)
Nguồn: Một Thế Giới