Nhà chức trách Thụy Điển bắt đầu đưa ra những cảnh báo, thậm chí yêu cầu chính sách cụ thể về việc bắt buộc duy trì giao dịch tiền mặt ở mức nhất định phòng khi khủng hoảng.
Những tấm biển “Không nhận tiền mặt” đang ngày càng phổ biến hơn tại Thụy Điển cùng tốc độ phát triển vũ bão của các phương thức thanh toán số hóa và di động. Nhiều cửa hàng, bảo tàng, quán ăn hiện chỉ chấp nhận thanh toán bằng thẻ hoặc thanh toán trên thiết bị di động. Với tốc độ đó, người dân ở quốc gia có tỉ lệ giao dịch phi tiền mặt hàng đầu thế giới này rất có thể sẽ mau chóng không còn “một xu dính túi”.
Khủng hoảng khi không có tiền mặt
Lượng tiền mặt lưu thông tại Thụy Điển năm 2017 đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 1990 và thấp hơn 40% so với tỉ lệ giao dịch tiền mặt đạt đỉnh vào năm 2007. Mức giảm giao dịch tiền mặt trong hai năm 2016 và 2017 cũng là mức giảm lớn nhất từ trước tới nay tại Thụy Điển.
Báo cáo thường niên của Tổ chức Insight Intelligence công bố tháng trước cho biết chỉ 25% người Thụy Điển dùng tiền mặt thanh toán ít nhất một lần một tuần trong năm 2017, thấp hơn so với 63% chỉ bốn năm trước. Khoảng 36% người dân không hề dùng tiền mặt hoặc chỉ dùng một hoặc hai lần/năm.
Cảnh báo từ Loomis cũng tương đồng với những kêu gọi từ Ngân hàng Trung ương Thụy Điển. Cơ quan này lo ngại tình trạng biến mất quá nhanh của tiền mặt sẽ kéo theo sự tan rã của toàn bộ hạ tầng vốn là nền tảng cho việc lưu hành tiền giấy và tiền xu của nước này, gây ảnh hưởng tiêu cực tới sứ mệnh của cơ quan này trong nhiệm vụ phát triển một hệ thống thanh toán an toàn và hiệu quả.
Theo ông Patrik Andersson – giám đốc điều hành Công ty Loomis, sẽ là viễn cảnh cực kỳ đáng ngại khi xảy ra thiên tai hay một sự cố công nghệ nghiêm trọng, người dân về cơ bản sẽ không thể mua các nhu yếu phẩm để tồn tại.
Tìm “đất sống” cho tiền mặt
Thống đốc Ngân hàng Trung ương Thụy Điển (Riksbank), ông Stefan Ingves, tuần này cũng kêu gọi phải có những thay đổi pháp lý để bảo đảm cho hoạt động điều tiết hệ thống thanh toán của ngân hàng trung ương trong bối cảnh các giao dịch tiền mặt sụt giảm quá nhanh.
Thụy Điển đang tiến tới giai đoạn mà “mọi phương tiện thanh toán của cộng đồng đều do các bên thương mại kiểm soát” – ông Ingves bình luận như vậy trên nhật báo Dagens Nyheter. “Điều đó có thể trở thành rắc rối, nhất là trong tình huống khủng hoảng” – ông viết. Theo đó, ông đề nghị chính phủ cần cân nhắc biện pháp bắt buộc các ngân hàng phải cấp tiền mặt cho khách hàng.
Trong báo cáo thường niên công bố ngày 27-2, Riksbank đặt vấn đề cơ quan này sẽ đóng vai trò như thế nào trong tương lai ở một xã hội thậm chí các giao dịch tiền mặt sẽ còn ít hơn nữa. Thống đốc Ingves nói: “Riksbank đang phân tích cẩn trọng diễn biến này. Về đại thể, tôi cho rằng chúng tôi đang đối mặt với những thay đổi về cấu trúc ở những lĩnh vực trước đây khá ổn định”.
Trong xu thế chung của thế giới, Ngân hàng Trung ương Thụy Điển cũng đang cân nhắc việc có cần phát hành một đồng tiền điện tử chính thức của nước này, gọi là đồng e-krona hay không. Đề xuất cuối cùng cho vấn đề này có lẽ phải tới cuối năm sau, nhưng ý tưởng chung là đồng e-krona sẽ hoạt động như một đồng tiền bổ sung chứ không thay thế hoàn toàn tiền mặt.
Top 10 quốc gia thanh toán phi tiền mặt Trang du lịch toàn cầu Forex đã tiến hành nghiên cứu so sánh 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới về phương diện thanh toán phi tiền mặt, và đưa ra xếp hạng theo đánh giá của họ. Theo đó, 10 quốc gia dẫn đầu thế giới lần lượt là: Canada (trung bình mỗi người dân có hơn hai thẻ tín dụng), Thụy Điển (quốc gia có tỉ lệ giao dịch phi tiền mặt cao nhất châu Âu), Anh, Pháp, Mỹ, Trung Quốc, Úc, Đức, Nhật Bản và Nga. Cũng theo Forex, Thụy Điển là quốc gia có 59% giao dịch khách hàng được thực hiện thông qua các phương thức thanh toán không tiền mặt, cao hơn bất cứ quốc gia nào khác trong top 10. |
Theo D.Kim Thoa / tuoitre.vn