TBVĐ- Ngày mai, tại một số bang trên nước Đức là ngày lễ, người dân không phải đi làm. Hãy cùng Thời báo Việt Đức tìm hiểu thêm về ngày lễ này.
Tròn 3 tuần sau lễ về trời của Chúa Jesus (Christi Himmelfahrt) là ngày Fronleichnam, một trong những ngày lễ quan trọng của Giáo hội Công giáo. Tuy nhiên, không phải tiểu bang nào cũng cho nghỉ ngày này. Các bang được nghỉ lễ: Baden-Württemberg, Bayern, Hessen, Nordrhein-Westfalen, Rheinland-Pfalz, Saarland và một số ít vùng có nhiều người dân theo đạo công giáo sinh sống tại tiểu bang Sachsen và Thüringen.
Ngày lễ Fronleichnam luôn rơi vào một ngày thứ 5 từ khoảng 21.5. – 24.6. hàng năm, phụ thuộc vào lễ Phục Sinh.
Nguồn gốc tên của ngày lễ này rất thú vị. Theo từ điển cổ ngữ của tiếng Đức thì “VRON” nghĩa là “Herr” – tiếng Việt là: Ngài, Đức Chúa, còn “LEICHNAM” nghĩa là “Leib”, tiếng Việt là: thân thể, thể xác. Nhưng khác với những gì ta tưởng và ngược lại với cách lý giải đương đại, “Leib” ở đây không phải là nói về “xác chết” mà là nói về “cơ thể sống, người sống” (der lebende Leib). Vậy ngày lễ Fronleichnam là ngày kỷ niệm về Sự hiện thân của Đức Chúa Jesus (Fest des Leibes Christi – tiếng Latin là: festum corporis Christi, corpus domini).
Vào ngày này, các tín đồ công giáo sẽ tưởng nhớ tới bữa ăn tối cuối cùng (Tiệc Ly) của Chúa Jesus với các môn đồ của Ngài. Khi ấy, Ngài đã phán: “Hãy lấy ăn đi, (bánh) này là Thân thể Ta, vỡ ra vì các ngươi. Hãy lấy chén và uống; (rượu nho) này là Huyết Ta, đổ ra cho nhiều người để được tha tội”. Như vậy, bánh mỳ tượng trưng cho thân xác và rượu nho là máu, Chúa Jesus đã trao ra toàn bộ con người của mình cho nhân sinh và vì nhân sinh. Người theo đạo Thiên Chúa Giáo khi ăn bánh mỳ và uống rượu nho vào hôm nay sẽ nhớ và biết ơn tới Đức Chúa Jesus.
Năm 1264, Đức Giáo Hoàng Urban IV. đã đồng ý đưa ngày Fronleichnam vào lịch các ngày lễ của Giáo Hội, nhưng phải từ năm 1317 nó mới dần được truyền bá khắp thế giới dưới sự ủng hộ của Đức Giáo Hoàng thời đó là Johannes XXII.
Năm nay, lễ Fronleichnam rơi vào ngày 15.06.2017.
Cẩm Chi