Sở Giáo dục – Đào tạo TP.HCM sẽ nghiên cứu lồng ghép việc giảng dạy các kiến thức, kỹ năng của việc thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn vào các chương trình chính khóa và ngoại khóa, nhằm tạo điều kiện cho học sinh hiếu được ý nghĩa, lợi ích và tích cực tham gia.
UBND TP.HCM đã có văn bản giao các Sở ngành và quận huyện về việc tuyên truyền phân loại chất thải rắn tại nguồn.
Theo đó, UBND TP giao Sở Tài nguyên – Môi trường phối hợp với các đơn vị liên quan nâng cao ý thức người dân trong việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn; đề xuất phương án sắp xếp lại mô hình hoạt động của lực lượng thu gom rác dân lập.
UBND các quận huyện cần triển khai kế hoạch phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn thành phố giai đoạn 2017 – 2020 theo lộ trình, chọn điểm và mở rộng phạm vi thực hiện, đảm bảo kết nối với hệ thống thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn. Đồng thời, tập trung triển khai thực hiện đối với các trung tâm thương mại, siêu thị, chợ, nhà hàng, trường học, cơ quan, bệnh viện, chung cư và các khu dân cư.
Trong khi đó, UBND TP cũng giao Sở Giáo dục – Đào tạo nghiên cứu lồng ghép việc giảng dạy các kiến thức, kỹ năng của việc thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn vào các chương trình chính khóa và ngoại khóa, nhằm tạo điều kiện cho học sinh hiếu được ý nghĩa, lợi ích và tích cực tham gia.
Ngoài ra, UBND TP chấp thuận cho Công ty Hitachi Zosen gia hạn thời gian thực hiện mô hình thử nghiệm nhà máy xử lý chất thải rắn hữu cơ dễ phân hủy sinh học tái sinh năng lượng phát điện tại khu liên hợp xử lý chất thải Phước Hiệp đến hết tháng 12.2017.
Được biết, mỗi ngày, TP.HCM phát sinh khoảng 8.000 tấn chất thải rắn sinh hoạt, tuy nhiên trên 80% lượng rác này được xử lý bằng công nghệ chôn lấp hợp vệ sinh. Theo mục tiêu của chương trình giảm ô nhiễm môi trường giai đoạn 2016 – 2020, TP.HCM sẽ giảm lượng rác thải chôn lấp xuống còn 60%, tăng lượng rác tái chế đạt 40%. Vì vậy, việc phân loại rác tại nguồn được coi là “chìa khóa” để TP.HCM đạt được mục tiêu trên.
Theo UBND TP.HCM, mặc dù việc thí điểm phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn được triển khai tại quận 1, 3, 5, 6, 12, Bình Thạnh đã đạt được một số kết quả nhất định; tuy nhiên, chương trình gặp phải nhiều khó khăn vướng mắc, hiệu quả chưa cao do việc triển khai chưa đồng bộ. Chính quyền địa phương cũng chưa đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động để nâng cao ý thức người dân chấp hành phân loại.
Do đó, TP.HCM phải phấn đấu đến năm 2020 chương trình phân loại rác tại nguồn sẽ thực hiện trên địa bàn 24 quận huyện; tỷ lệ tham gia phân loại rác thải tại nguồn và phân loại đúng quy cách đạt tối thiểu 50%, tăng dần vào các năm tiếp theo và dự tính đạt tối thiểu 80% vào năm 2025.
Để chương trình phân loại rác tại nguồn đạt kết quả cao, UBND TP cho rằng phải có sự đồng thuận, tham gia đầy đủ của người dân thành phố. Vì vậy, TP.HCM sẽ kết hợp chặt chẽ giữa công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức người dân và ban hành các chế tài giám sát, xử phạt các hành vi không thực hiện đúng các quy định về lưu giữ chất thải.
Theo Phan Diệu / mothegioi.vn