Tình trạng thiếu năng lượng ở Trung Quốc, Anh và châu Âu nói chung đang gây ra những gián đoạn lớn.
Theo Aljazeera, hàng triệu người ở miền bắc Trung Quốc đã phải sống chung với tình trạng thiếu điện chưa từng có tiền lệ. Các nhà máy ngừng hoạt động vì mất điện. Công nhân nhiều nơi phải nhập viện vì ngộ độc khí CO do hệ thống thông khí không hoạt động vì mất điện.
Còn tại Anh, các trạm xăng ở nhiều nơi phải thông báo hết xăng, dừng hoạt động tuần này. Giá khí đốt tự nhiên tăng vọt. Khắp châu Âu, giá năng lượng cũng liên tiếp lập kỷ lục.
Còn tại Mỹ, các nhà sản xuất than và khí đốt đang vất vả đáp ứng nhu cầu khi mà Bắc Bán cầu còn chưa vào mùa đông và nhu cầu sưởi ấm chưa tăng cao.
Vậy điều gì đã gây ra tình trạng thiếu hụt năng lượng toàn cầu này? Có phải đây là hậu quả của đại dịch COVID-19 không?
“Sự trả thù của nền kinh tế cũ”
Theo các nhà phân tích, có nhiều lý do gây ra tình trạng thiếu năng lượng mà nhiều lý do tồn tại từ trước khi có đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, thực tế là nhu cầu năng lượng của người tiêu dùng và các nhà máy đã tăng trở lại sau khi sụt giảm trong những tháng đầu đại dịch, gây tắc nghẽn chuỗi cung và gây ra các vấn đề trong chuỗi sản xuất.
Nhiều nhà đầu tư đã chuyển sang các nguồn năng lượng tái tạo trong 5-10 năm vừa qua để giải quyết tình trạng biến đổi khí hậu. Dù vậy, phần lớn thế giới vẫn phụ thuộc vào nguồn năng lượng truyền thống như dầu, than đá và khí đốt. Trong khi đó, nguồn đầu tư vào nhiên liệu hóa thạch lại thiếu, gây ra các vấn đề hiện nay.
Ông Jeff Currie, trưởng nhóm nghiên cứu hàng hóa toàn cầu tại Goldman Sachs Group, giải thích: “Khí đốt, than, dầu, kim loại, khai mỏ là những thứ thuộc nền kinh tế cũ đang thiếu đầu tư trầm trọng. Chúng tôi gọi đây là sự trả thù của nền kinh tế cũ. Lợi nhuận thấp khiến dòng vốn chảy từ nền kinh tế cũ sang nền kinh tế mới”.
Hiện chưa rõ tình trạng thiếu hụt năng lượng này có dẫn tới xu hướng đầu tư trở lại nhiều hơn vào nhiên liệu hóa thạch gây ô nhiễm không. Tuy nhiên, Tổng thư ký Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) cảnh báo rằng ngừng đầu tư mới vào sản xuất nhiên liệu hóa thạch là không phù hợp vì nhu cầu dầu mỏ dự kiến tăng trong vài năm tới cho dù thế giới đang đẩy mạnh chuyển sang năng lượng sạch.
Thiếu nguồn cung than, khí đốt và nước cũng khiến giá năng lượng tăng vọt ở châu Âu.
Trung Quốc đã khiến giá than đá tăng cao. Lượng than đá mà nước này sử dụng cao hơn tổng lượng sử dụng than đá toàn thế giới. Trung Quốc cũng là nước sản xuất than đá hàng đầu thế giới nhưng thiếu nguồn cung đã buộc nước này phải phân phối điện và hạn chế sản lượng của các nhà máy.
Tại Trung Quốc, giá điện do nhà nước điều phối và cho dù giá than đá tăng kỷ lục, các nhà máy cũng không được tăng giá bán cho người dân và doanh nghiệp. Điều này khiến một số nhà máy điện thua lỗ, ngần ngại tăng sản xuất để đáp ứng nhu cầu. Trung Quốc gần đây đã phải đồng ý cho các nhà máy tăng giá điện nhưng chưa rõ mức tăng thế nào.
Hậu quả của Brexit
Tại Anh, các nhà phân tích cho rằng tình trạng thiếu xăng có nguyên nhân từ Brexit.
Một trong những lý do xăng không được vận chuyển từ cơ sở lưu trữ tới các trạm xăng là vì thiếu lái xe tải. Khi Anh chính thức rời Liên minh châu Âu (EU), nước này đã thắt chặt quy định nhập cư để công dân EU không còn được làm việc miễn thị thực tại Anh.
Nhiều lái xe tải làm việc ở Anh tới từ các nước châu Âu khác và do thiếu hụt lao động nên các công ty không thể phân phối nhiên liệu cũng như nhiều loại hàng hóa khác.
Ông Kevin Wright, nhà phân tích tại Kpler, nhận định: “Chắc chắn là tình trạng thiếu hụt lái xe này một phần là do Brexit và đại dịch”.
Thủ tướng Anh Boris Johnson cho biết ông sẽ cấp thị thực tạm thời cho 10.000 lái xe tải nước ngoài. Tuy nhiên, động thái này sẽ không giải quyết được khủng hoảng ở Anh – quốc gia thiếu khoảng 100.000 lái xe. Anh cũng sẽ mất thời gian để đào lại lái xe trong nước. Hơn nữa, thị thực tạm thời chỉ có hạn tới lễ Giáng sinh năm nay, nên công việc này rất ngắn hạn.
Chính phủ Anh cũng đã phải dự phòng nhân sự quân đội để lái xe tải.
Tình trạng tại Mỹ
Trong khi đó, mùa đông này, Mỹ cũng có thể sẽ thiếu khí đốt thiên nhiên. Nguyên nhân cũng một lần do thiếu đầu tư trong đại dịch và thiếu lao động, khiến tuyển lao động trong ngành dầu mỏ thêm khó khăn.
Trong báo cáo của Ngân hàng Dự trữ Trung ương tại Dallas, 51% lãnh đạo công ty dịch vụ hỗ trợ khí đốt và dầu mỏ tham gia khảo sát cho biết họ khó tuyển lao động. 70% thiếu ứng viên đủ năng lực, còn 39% cho biết người lao động muốn tìm công việc lương cao hơn.
Trong bối cảnh đó, hiện chưa rõ các quốc gia có biện pháp gì lâu dài.
Như ở Trung Quốc, nhu cầu nhiệt điện tiếp tục xung đột với lộ trình cắt giảm khí thải mà Trung Quốc đã đề ra để trở thành nước trung hòa carbon vào năm 2060.
Tương tự, các nước cũng phải đối mặt với tình huống khó khăn khi phải cân bằng nhu cầu năng lượng và đầu tư vào nguồn năng lượng tái tạo.