TBVĐ- Ở Đức theo thống kê của hiệp hội bảo hiểm tổng số các loại bảo hiểm đạt đến 457 triệu hợp đồng.
Trong khi nhiều người không trang bị cho mình những bảo hiểm tối cần thiết thì nhiều người lại có quá nhiều các loại bảo hiểm. Vậy loại bảo hiểm nào là bắt buộc? Loại bảo hiểm nào là cần thiết và loại nào là không cần thiết?
Những loại bảo hiểm nào là bắt buộc?
Hiếm có một loại bảo hiểm nào không có sự tranh chấp như loại bảo hiểm sức khỏe. Đây là một loại bảo hiểm bắt buộc. Bạn có thể tham gia đóng với bảo hiểm y tế công hoặc tư. Năm 2007 những nhà hành pháp đã nhìn nhận thấy tầm quan trọng của loại bảo hiểm này và kể từ đây bảo hiểm sức khỏe trở thành một hình thức bắt buộc. Tuy nhiên, đến năm 2014 trên toàn nước Đức có đến 77.500 người không có bảo hiểm sức khỏe.
Ngoài ra có một loại bảo hiểm bắt buộc khác dành cho phương tiện xe cơ giới nếu bạn là chủ sở hữu của phương tiện tham gia giao thông. Loại bảo hiểm này tên là bảo hiểm phương tiện tham gia giao thông (Kfz- Haftpflichtversicherung). Bạn có đóng bảo hiểm toàn phần hay một phần do bạn quyết định nhưng nếu sở hữu một chiếc xe tham gia giao thông, bắt buộc bạn phải mua gói bảo hiểm tối thiểu dành cho xe của bạn.
Bên cạnh bảo hiểm sức khỏe và bảo hiểm dành cho phương tiện tham gia giao thông là hai loại hình bắt buộc do nhà nước quy định. Có hai loại bảo hiểm cực kỳ quan trọng mà mỗi người đáng lẽ ra đều phải trang bị cho mình, bởi vì loại hình bảo hiểm này bảo vệ bạn trước nguy cơ phá sản. Đó chính là bảo hiểm cá nhân (Privathaftpflichtversicherung) và bảo hiểm tai nạn nghề nghiệp. Tuy vậy không phải ai cũng ý thức được điều này, cứ bảy hộ gia đình thì chỉ một hộ có trang bị cho mình loại bảo hiểm cá nhân và cứ bốn hộ gia đình chỉ có một hộ có bảo hiểm tai nạn nghề nghiệp.
Bảo hiểm cá nhân là một trong những loại bảo hiểm quan trọng nhất, bảo vệ chúng ta khỏi những nguy hại đe dọa thường trực thường ngày. Chính vì vậy loại bảo hiểm này được ngầm mặc định như một loại bảo hiểm bắt buộc cho tất cả mọi người. Điều này không có nghĩa là mỗi người đều phải trang bị cho mình gói bảo hiểm này. Bạn có thể chọn mua cho mình gói bảo hiểm cho cả gia đình hay cho cả người bạn đời của mình.
Bảo hiểm tai nạn nghề nghiệp
Hầu như ai cũng nên trang bị cho mình gói bảo hiểm nghề nghiệp, dù là chủ doanh nghiệp hay người làm công, bởi vì không chỉ các bệnh xương khớp làm mất khả năng lao động mà còn cả các bệnh tâm lý nghề nghiệp cũng là một trong những nguyên nhân đó.
Lương hưu cho người tàn tật do mất khả năng lao động không thể đủ sinh sống. Hãy trang bị cho mình loại bảo hiểm này càng sớm càng tốt. Người tự đứng kinh doanh cũng nên mua cho mình gói bảo hiểm này.
Trên đây là ba loại bảo hiểm cần thiết và bắt buộc bạn nhất thiết phải trang bị cho mình nếu bạn sinh sống ở Đức. Ngoài ra chúng tôi muốn đề cập đến một số loại bảo hiểm dưới đây mà bạn nên cân nhắc nên hay không nên trang bị cho mình, tuỳ thuộc vào điều kiện và nhu cầu sử dụng của bạn.
10 loại bảo hiểm quan trọng nên lưu ý
Bảo hiểm cho nhà riêng (Wohngebäudeversicherung) Nếu sở hữu ngôi nhà riêng của mình, bạn nên trang bị cho mình bảo hiểm cho nhà riêng. Bảo hiểm này đền bù thiệt hại cho bạn trong trường hợp xảy ra thiệt hại do sấm sét, mưa đá, cháy nổ. Ngoài ra nếu bạn muốn bạn có thể đóng thêm chị phí để đảm bảo trong trường hợp xảy ra thiên tai, lũ lụt.
Bảo hiểm nhân thọ chống rủi ro. Nếu một nhân lực lao động chính trong gia đình bị mất, tổng thu nhập của cả gia đình vẫn phải được đảm bảo. Độc thân nuôi con là một trong những nguy cơ lớn nhất dẫn đến nghèo đói ở Đức. Bảo hiểm nhân thọ chống rủi ro là loại bảo hiểm đảm bảo chống lại nghèo đói cho những thành viên còn lại trong gia đình. Loại bảo hiểm này đặc biệt có giá trị đối với các gia đình trẻ.
Bảo hiểm du lịch ở nước ngoài. Bảo hiểm du lịch ở nước ngoài rất có giá trị ngay cả khi bạn đi du lịch trong khối Châu Âu. Bảo hiểm này hoàn trả lại tiền chữa trị trong trường hợp ốm đau ở nước ngoài và nếu cần thiết chuyên trở bạn quay trở lại Đức. Bảo hiểm nhà nước chỉ chi trả cho những chi phí chữa trị một phần rất nhỏ trong thời gian bạn ở nước ngoài hoặc không một chút nào, tuỳ thuộc đất nước bạn đến du lịch. Nếu bạn đi du lịch dài ngày và thường xuyên đi du lịch, bạn hãy trang bị cho mình gói bảo hiểm này.
Bảo hiểm trong thời gian bệnh tật. Loại bảo hiểm này đảm bảo mức tổng thu nhập của bạn trong trường hợp bạn ốm đau. Người tham gia đóng bảo hiểm y tế nhà nước có thể dự trữ tiền ốm đau. Loại bảo hiểm này đặc biệt có giá trị đối với người đứng ra tự kinh doanh hay người có thu nhập cao, bởi vì hạng mục tiền ốm đau không thuộc trong phạm trù của bảo hiểm y tế nhà nước.
Bảo hiểm toàn phần hay một phần dành cho Ôtô. Trong trường hợp xảy ra tai nạn bảo hiểm ôtô không hoàn trả lại cho bạn thiệt hại ở xe của bạn, trách nhiệm này thuộc về Bảo hiểm toàn phần hay một phần dành cho Ôtô. Nếu xe của bạn mới, bạn nên mua gói bảo hiểm toàn phần (Vollkasko), xe cũ nhưng giá trị cao chỉ cần bảo hiểm một phần (Teilkasko). Nếu xe của bạn quá cũ kỹ bạn không cần cả hai loại bảo hiểm trên.
Bảo hiểm cho răng lợi. Bảo hiểm y tế nhà nước chỉ chi trả một phần cố định nếu bạn muốn làm răng giả, chính vì vậy bảo hiểm thêm cho răng lợi rất có giá trị. Tuy nhiên bạn nên đóng gói bảo hiểm này càng sớm càng tốt để tránh phải đóng phí cao về sau này.
Bảo hiểm tài sản, vật dụng gia đình. Bảo hiểm tài sản, vật dụng gia đình hoàn trả cho bạn thiệt hại trong trường hợp xảy ra trộm cắp, hỏa hoạn, vỡ đường ống nước … trong phạm vi không gian bạn ở. Loại bảo hiểm này có lợi nếu tài sản, đồ đạc trong gia đình bạn đặc biệt đắt tiền và có giá trị cao.
Bảo hiểm phụ trợ chăm sóc điều dưỡng. Chăm sóc điều dưỡng rất tốn kém. Nếu bạn tham gia đóng bảo hiểm y tế nhà nước, quyền lợi chăm sóc điều dưỡng của bạn không thể đủ để đảm bảo chi phí cho chăm sóc hay cho thuốc thang cần thiết. Bảo hiểm phụ trợ chăm sóc điều dưỡng tư đảm bảo cho bạn những quyền lợi trên.
Bảo hiểm luật. Nếu bạn muốn đảm bảo được hoàn trả những chi phí toà án, luật sư trong trường hợp xảy ra tranh chấp, mâu thuẫn, bạn có thể trang bị cho mình bảo hiểm luật.
Bảo hiểm tai nạn. Bảo hiểm tai nạn đảm bảo quyền lợi của bạn trong trường hợp xảy ra tai nạn nghiêm trọng. Loại bảo hiểm này chủ yếu dành cho những người làm những công việc nguy hiểm hay có những sở thích mạo hiểm. Bảo hiểm dành cho kính mắt hay cho điện thoại động thường rất đắt đỏ. Bạn nên tự chi trả nếu kính mắt hay điện thoại hỏng hóc để tiết kiệm chi phí.
Huyền Nguyễn