TBVĐ- Chất nhựa và chất dẻo tại Đức cho đến nay không bị coi là chất gây nguy hiểm, độc hại, vì vậy cũng không có bộ luật nào chính thức cấm sử dụng hay buôn bán.
Nếu tách đồ nhựa ra thành từng loại chất hóa học, cũng có những bộ luật qui định riêng dành cho mỗi loại chất này, nhưng chỉ hạn chế tùy theo phạm vi sử dụng chúng.
Những luật này nằm trong bộ luật gọi tắt là qui định REACH – viết tắt từ Registration (đăng ký), Evaluation (đánh giá), Authorisation (chứng nhận) và Restriction of Chemicals (hạn chế các chất hóa học) – là một quy định về hóa chất và sử dụng an toàn hóa chất, được áp dụng cho toàn khối Châu Âu kể từ năm 2007.
Còn việc sản xuất, thu nhận lại để tái chế, tái sử dụng và thiêu hủy các loại bao bì nhựa cho đến nay vẫn được xử lý theo Qui định bao bì (Verpackungsverordnung) và kể từ năm 2019 sẽ đổi thành bộ luật đóng gói và bao bì (Verpackungsgesetz).
Đứng trên những qui định này và xử lý mọi vấn đề liên quan đến rác thải từ nhựa là bộ luật tái chế (Kreislaufwirtschaftsgesetz, viết tắt là KrWG). Theo luật KrWG và qui định bao bì nói trên, cần giảm thiểu tối đa các loại bao bì và chỉ đóng gói vừa đủ, một là để bảo đảm an toàn và hai là bảo đảm vệ sinh trên đường vận chuyển.
Tuy nhiên, những qui định và điều luật này lại không hề cấm triệt để hay có hình phạt cho việc đóng gói bao bì quá tải. Chỉ có luật cân đo (Eichgesetz) thì có phần nghiêm cấm việc đóng gói bao bì dày hay nhiều lớp để tăng trọng lượng của sản phẩm, nhưng cũng không chính xác.
Lưu Minh