Float banner Left 160x600

Float banner Left 160x600

Việt Nam: “Treo đầu dê bán thịt chó” – không riêng vụ của Khaisilk

Mặt hàng khăn của Khaisilk bị tố là hàng Trung Quốc gắn mác giả hàng Việt (Ảnh: Dân trí)

Vụ khăn lụa Khaisilk không phải là sự việc duy nhất được phanh phui về việc “đội lốt” hàng Việt hay đội lốt thương hiệu có uy tín về chất lượng trên thị trường để đánh lừa người tiêu dùng.

Những ngày qua, câu chuyện chiếc khăn lụa của Khaisilk cùng lúc có cả mác Made in China và Made in Việt Nam đang trở nên “nóng bỏng” hơn bao giờ hết. Câu chuyện chiếc khăn lụa có đến 2 mác của Khaisilk bị vỡ lở như giáng một đòn vào thành lũy niềm tin nơi khách hàng dành cho thương hiệu này.

Cơ quan chức năng đã nhập cuộc kiểm tra, người tiêu dùng cũng đang dõi theo từng động thái của các bên để sự thật tiếp tục được đưa ra ánh sáng.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, không chỉ riêng trường hợp của Khaisilk được “khui” ra mà trước đó cũng có hàng loạt các vụ việc tương tự bị cơ quan chức năng phát hiện và xử lý.

Năm 2015, một đường dây nhập khẩu hàng Trung Quốc nhưng dán mác hàng từ các nước Đức, Ý rồi tuồn vào siêu thị để lừa người tiêu dùng đã bị phá vỡ. Đó là vụ việc của công ty TNHH Romal VN. Sau khi tiến hành kiểm tra, lực lượng chức năng đã phát hiện 185 trên tổng số khoảng 2.000 sản phẩm của công ty Romal đã dán nhãn hiệu của Đức và Ý để chuẩn bị mang đi tiêu thụ.

Các mặt hàng chủ yếu của công ty này là bếp gas, bếp từ và máy sấy tóc được nhập từ một công ty bên Quảng Đông, Trung Quốc chỉ với giá từ 3 triệu đến 4 triệu đồng nhưng sau khi “luộc” lại nhãn mác của Ý, Đức lại có giá bán cao gấp 4 – 5 lần giá thực tế, cụ thể khoảng 15 đến 16 triệu đồng.

Cũng liên quan đến vấn đề hàng giả, hàng nhái, cuối tháng 6/2017 Đội Kiểm soát chống buôn lậu hàng giả và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ – (Đội 4, tổng cục Hải quan) đã phối hợp với với hải quan Cát Lái thuộc chi cục Hải Quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1 tiến hành khám xét một container chứa lượng lớn hàng giả, hàng nhái các thương hiệu nổi tiếng. Trong container có hàng nghìn túi xách, giày dép, phụ kiện thời trang, linh kiện điện thoại,mang các nhãn hiệu thời trang cao cấp như Adidas, Gucci, Chanel, Hermes, Apple… Uớc tính bán đầu lô hàng có giá trị hơn 30 tỉ đồng.

Hồi tháng 8/2017, Cơ quan Hải quan TP.Hải Phòng cũng đã phát hiện 10 container, bên trong có hàng chục ngàn đôi giày nhãn hiệu Adidas và Converse xuất xứ Trung Quốc.

Trong tháng 10/2017, cơ quan chức năng cũng đã tiến hành kiểm tra và xử lý hàng loạt vụ hàng giả, hàng nhái nhưng được dán mác thương hiệu nổi tiếng. Điển hình như hôm 24/10, Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) TP.HCM đã tiến hành tiêu hủy lượng lớn hàng trị giá hơn 20 tỷ đồng, các mặt hàng chủ yếu bị tiêu hủy là dầu gội, lăn khử mùi, sữa tắm, bột kem, xà bông…

Ngay trong ngày 25/10 vừa qua, sau khi tiến hành kiểm tra 3 cơ sở sản xuất tại xã huyện Chương Mỹ và Phúc Thọ (Hà Nội), Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 14 – Chi Cục QLTT Hà Nội đã tiến hành thu giữ nhiều máy lọc nước và tem nhãn dùng để sản xuất hàng giả.

Theo lực lượng chức năng TP.Hà Nội, việc mua hàng Trung Quốc dán nhãn mác hàng Việt diễn ra khá phổ biến. Nhiều cá nhân, doanh nghiệp đã sang Trung Quốc đặt sản xuất các loại bếp gas, lò nướng, lò vi sóng… sau đó dán nhãn mác mang thương hiệu của một số doanh nghiệp Việt Nam sản xuất để tiêu thụ.

Đặc biệt, trong năm 2016, lực lượng quản lý thị trường Hà Nội qua kiểm tra đã phát hiện gần 1.500 vụ sản xuất, buôn bán hàng giả. Trong đó có không ít vụ hàng Trung Quốc nhập lậu nhưng nhái nhãn hiệu hàng của doanh nghiệp Việt Nam, kể cả những thương hiệu chất lượng cao như Bóng đèn Rạng Đông…

Không chỉ có hàng may mặc, hàng tiêu dùng thiết yếu nhập lậu từ Trung Quốc gắn mác hàng Việt để tiêu thụ, một số mặt hàng nông, lâm, thủy sản cũng trong tình trạng tương tự. Tại các chợ đầu mối, một lượng lớn hàng nông, thủy sản do Trung Quốc sản xuất nhưng gắn mác hàng Việt Nam được bày bán công khai.

Trở lại với sự việc của Khaisilk, điều tiếc nuối nhất chính là giá trị của thương hiệu Khaisilk được gây dựng bao năm qua đang dần sụp đổ từ hành vi làm ăn gian dối của ông chủ Hoàng Khải.

Mặc dù cho ông Hoàng Khải đã “cúi đầu xin lỗi” nhưng những lời biện bạch của ông ta chưa đủ để xoa dịu dư luận mà còn bùng lên câu hỏi: Khaisilk chỉ sai lầm hay cố tình lừa dối khách hàng?

Người ta phẫn nộ bởi một doanh nhân từng phô bày bao triết lý cùng đạo đức kinh doanh nay lại rơi mặt nạ như vậy. Trò đánh lận con đen này đã diễn ra hàng chục năm nay. Ai có thể ngờ một doanh nhân luôn răn dạy sự tử tế, đạo đức kinh doanh cho mọi người lại trắng trợn kéo dài như thế.

Theo Thiên Di (Tổng hợp) / nguoiduatin.vn