Ông Hà Quốc Quân, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tư vấn xây dựng cảng biển Việt Nam, đơn vị tư vấn cho dự án nhận chìm gần 1 triệu m3 chất nạo vét xuống vùng biển Tuy Phong, Bình Thuận đã trả lời như thế với Pháp Luật TP.HCM về nghi vấn mạo danh các nhà khoa học tham gia thực hiện dự án này.
Ông Hà Quốc Quân, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tư vấn xây dựng cảng biển Việt Nam, đơn vị tư vấn cho dự án nhận chìm gần 1 triệu m3 chất nạo vét xuống vùng biển Tuy Phong, Bình Thuận đã trả lời như thế với Pháp Luật TP.HCM về nghi vấn mạo danh các nhà khoa học tham gia thực hiện dự án này.
Chiều 21-7, để làm rõ việc mạo danh một số nhà khoa trong danh sách những người tham gia thực hiện “dự án nhận chìm ở biển vật liệu nạo vét luồng hàng hải, vũng quay tàu và khu nước trước bến chuyên dùng phục vụ Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 1, phóng viên Pháp Luật TP.HCM đã trực tiếp gặp và trao đổi với ông Hà Quốc Quân, Tổng Giám đốc Công Công ty CP tư vấn xây dựng cảng biển Việt Nam.
Ông Quân cho hay dự án này trước đây do Trung tâm Quy hoạch và quản lý tổng hợp vùng duyên hải khu vực phía Nam và Trung tâm dịch vụ Tài nguyên Môi trường biển mà giám đốc là ông Hà Minh Toàn làm tư vấn. Theo ông Quân, dự án nhận chìm ở Bình Thuận mà ông có ký tên với tư cách là tổng giám đốc đơn vị tư vấn được phía công ty ông “kế thừa” và tiếp tục thực hiện. “Tôi không nhớ rõ ngày nhưng vào khoảng tháng 11 -2016 chúng tôi nhận tiếp tục thực hiện dự án này” – ông Quân cho hay.
Đề cập đến vấn đề ba nhà khoa học đã lên tiếng bị mạo danh là TS Nguyễn Tác An, ThS môi trường Nguyễn Ngọc Bảo Trâm, ThS Lê Thị Vân Linh, ông Quân nói: “Khi tôi nhận lại dự án này thì đã có tên các nhà khoa học và cũng chưa hề gặp các nhà khoa học này. Hơn nữa tôi chỉ là người kế thừa dự án này nên không thể bỏ tên các nhà khoa học đi vì mình phải tôn trọng người ta chứ”.
Ông Quân cũng cho biết: “Chủ nhiệm dự án này là ông Phạm Hồng Hạnh chịu trách nhiệm về hồ sơ và trình Bộ TN&MT. Tôi chỉ là người quản lý chung”.
Khi PV đề cập đến vấn đề tại sao khi tiếp tục hiện dự án lại không kiểm tra chặt chẽ thì ông Quân thừa nhận: “Đây là lỗi kỹ thuật do mình không kiểm soát được. Nói lại là bên tôi chỉ là kế thừa thôi nên tôi không kiểm tra lại. Chủ yếu vẫn là công ty tư vấn trước kia là chính thì nó mới xảy ra như thế này. Chứ nếu chúng tôi kiểm tra thì đã không xảy ra như thế này”.
PV tiếp tục đặt vấn đề, trước phản ứng mạo danh từ các nhà khoa học ông sẽ xử lý tiếp theo như thế nào, thì ông Quân khẳng định: ”Bây giờ phải yêu cầu phía công ty kia đi làm lại và phải giải trình với phía mình là các nhà khoa học có làm hay không làm”.
Vấn đề đặt ra là trong cả hai hồ sơ dự án (một ký tháng 2-2017 để trình các thành viên hội đồng thẩm định tại cuộc họp ngày 20-2 và một ký tháng 4-2017, để làm thủ tục cho Bộ TN&MT cấp phép nhận chìm) đều do ông Quân ký tên đóng dấu với tư cách là đơn vị tư vấn đều bị một số nhà khoa học phản ứng là không tham gia vào việc lập dự án này.
Trước đó, như Pháp Luật TP.HCM thông tin, tiếp sau TS Nguyễn Tác An và ThS Bảo Trâm, ThS Lê Thị Vân Linh, người có số thứ tự thứ 7 trong hai bản danh sách các nhà khoa học tham gia thực hiện (có 14 nhà khoa học trong danh sách này) cũng cho rằng mình không tham gia gì vào dự án này nhưng bỗng dưng thấy tên trong đó.
Chúng tôi sẽ tiếp tục liên hệ các địa chỉ có trách nhiệm để làm rõ thông tin mạo danh này.
Theo Đặng Trung / Pháp luật TPHCM