TBVĐ- Những năm gần đây, ăn chay đang trở thành một xu hướng ẩm thực rất mạnh mẽ ở các nước công nghiệp và phát triển, đặc biệt là không chỉ người cao tuổi mới ăn chay, mà ngay cả trẻ em và thanh thiếu niên cũng nhiều người dần loại bỏ các nguyên liệu từ động vật khỏi thực đơn, chọn cho mình cách ẩm thực có vẻ rất “kham khổ” này.
Khái niệm “ăn chay” có lẽ bắt nguồn từ Phật giáo và đã theo đó du nhập vào Việt Nam từ khoảng thế kỷ thứ 3 trước Công Nguyên, vì thế không còn xa lạ với người Việt. Nhiều người ăn chay vì tín ngưỡng, nhưng ngày càng nhiều người chuyển sang ăn chay vì sức khỏe và cả vì quan điểm sống, vì đạo đức, vì bảo vệ môi trường, bảo vệ hệ sinh thái.
Trong tiếng Đức, ăn chay cũng có nhiều kiểu, ví dụ người ăn chay trường (Veganer) là hoàn toàn không bao giờ ăn các thực phẩm từ động vật, kể cả trứng, bơ, sữa. Còn có kiểu chỉ ăn những loại quả hoặc hạt mà không gây hại đến cây mẹ của chúng, tiếng Đức gọi là Frutarier. Pescetarier là những người không ăn thịt thú vật, nhưng vẫn dùng hải sản như cá hoặc hến, mực. Phổ biến nhất vẫn là Vegetarier, là ăn chay nhưng vẫn dùng các sản phẩm chế từ động vật còn sống như sữa, trứng. Đa số họ ăn chay vì hoàn toàn phản đối việc giết động vật.
Người Việt ăn chay đầu tiên là vì tín ngưỡng, muốn nuôi dưỡng pháp thiện, phát triển tình thương với vạn vật và tôn trọng sự sống. Hằng tháng vào những ngày mùng 1 và 15 âm lịch (còn gọi là ngày Bồ Tát), là ngày định kỳ để thuyết giới, cùng nhắc nhở nhau về giới pháp để tu hành.
Về sau được các nhà Phật học Trung Quốc dịch là “ngày trai giới” còn Việt Nam dịch là “ăn chay” từ chữ trai đó. Ăn chay vì tín ngưỡng thường phải loại bỏ các sản phẩm từ động vật cũng như hành, tỏi hoặc ngũ vị hương. Gần đây, khi vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm tại Việt Nam ngày càng ở tình trạng báo động, khi các thực phẩm bán ra trên thị trường thường xuyên bị ô nhiễm, chứa nhiều chất bảo quản, tẩy rửa, thì người ta càng chú trọng đến việc ăn uống làm sao cho sạch và an toàn đối với sức khỏe. Nhiều người tự trồng rau trên sân thượng hay thuê mảnh vườn tự canh tác.
Đặc biệt là khi mùa Tết tây và Tết Nguyên đán về, kể cả người Việt đang ở quê nhà hay tha hương, rất nhiều người đều bày tỏ nhu cầu “chán thịt thèm rau”. Tuy rằng những món cổ truyền như bánh chưng, thịt kho Tàu, canh măng khô nấu chân giò hay móng giò vẫn còn chỗ trên mâm cỗ tất niên, nhưng cũng chỉ ở số lượng tượng trưng và không được nấu để dự trữ trong nhiều ngày nữa.
Nhu cầu giữ sức khỏe cũng tăng cao hơn. Bên cạnh việc tham gia các chương trình thể dục, yoga, khiêu vũ, nhiều người Việt bắt đầu khuyên nhau nên loại bỏ mỡ, thậm chí hoàn toàn bỏ thịt khỏi những bữa ăn.
Các món chay không khó chế biến. Đơn giản nhất là các món được dùng hàng ngày như đậu phụ sốt cà chua, rau xào thập cẩm, lạc rang, canh rau luộc chấm tương hay xì dầu. Vào những ngày lễ Tết thì có thể chế thêm các món cầu kỳ hơn như lẩu nấm, đậu phụ cuốn lá lốt, cà tím nhồi đậu phụ, miến trộn chay, cơm chiên Dương Châu, đậu phụ kho rau củ, các loại rau tẩm bột chiên giòn, xôi, nem chay.
Các món chay ngày Tết tại nhiều nhà hàng ở Việt Nam cũng được khoác lên mình những cái tên rất mỹ miều ví dụ như “Nắng xuân ươm mầm” (cơm rang), “Nghinh xuân” (nộm đu đủ, cà rốt), “Cội mai già hóng gió” (gỏi cuốn chay), “Hội tụ tháng Giêng” (bún riêu chay).
Qua tìm hiểu cho thấy, cỗ chay ngày Tết tại Việt Nam đã tồn tại từ rất lâu đời. Ví như có làng Đào Đặng ở Hưng Yên hay làng Đào Xá vùng Kinh Bắc đều có tục lệ ăn chay ngày Tết. Vào ngày mùng một và mùng bảy, hầu hết các gia đình tại đây đều làm cỗ chay mang ra chùa cúng Phật và sau đó để đãi khách. Các món chay đều làm từ sản phẩm của nhà nông như lúa gạo, rau đậu củ quả, như món bánh Cắp nổi tiếng được làm từ bột gạo nếp mới, món cháo Cái được làm từ gạo tẻ mới và món bún riêu chay rất đặc biệt mang tên Bún riêu Đào Xá. Miền Trung và miền Nam Việt Nam cũng là những nơi chịu ảnh hưởng nặng của đạo Phật. Huế vốn nổi tiếng với những món cỗ chay cao cấp theo kiểu cung đình ngày xa xưa. Đặc biệt ở Huế có trái vả thường dùng để chế biến thành nhiều món chay khác nhau.
Tại Đức, người Việt có khá nhiều chùa do chính các sư tăng người Việt trụ trì. Gần đây, nhu cầu tâm linh tăng cao và phần lớn là do có sự kết nối qua mạng xã hội, người Việt tại Đức chăm đi chùa hơn. Các chùa thường làm cỗ chay vào những ngày lễ đặc biệt để mời Phật tử. Nhiều gia đình có chồng, vợ người Đức, hoặc mang theo con thường xuyên lên chùa. Có lẽ vì vậy mà cơm chay Châu Á cũng phổ biến rộng rãi hơn đến nhiều thành phần dân Đức cũng như tầng lớp trẻ em, thanh thiếu niên.
Ăn chay ngày Tết có thể nói là một nét đẹp trong văn hóa ẩm thực – không chỉ của Việt Nam mà còn là trào lưu chung trong thời kỳ toàn cầu hóa. Tuy nhiên, cơ thể con người vẫn cần phải được nạp đủ các chất dinh dưỡng, đặc biệt các cháu ở độ tuổi trưởng thành và cả người cao tuổi. Vì thế những người ăn chay trường nên lưu ý đến chế độ ăn uống, nên gặp bác sỹ để kiểm tra sức khỏe thường xuyên và xin lời khuyên, tư vấn phù hợp.
Cẩm Chi