Float banner Left 160x600

Float banner Left 160x600

Xu hướng “tẩy chay” túi nilon

Ảnh minh họa: pixabay.com

TBVĐ- Trào lưu “nói không với đồ nhựa và túi nilon” đang dần trở thành phong cách sống đáng học tập và được nhiều người chia sẻ, tham gia.

Tại Đức, tuy đồ nhựa và nilon không được liệt kê là chất gây độc hại và cũng không có bộ luật nào cấm sử dụng, nhưng Bộ môi trường liên bang hi vọng sẽ kêu gọi được nhiều công dân và cả các doanh nghiệp cùng chung tay góp sức, giảm mức tiêu dùng đồ nhựa, đặc biệt những loại túi nilon chỉ dùng một lần.

Thế giới và Đức nói không với đồ nhựa và túi nilon

Đồ nhựa và rác thải nhựa, túi nilon dùng một lần rồi vứt là những vật vô tri vô giác, nhưng đối với môi trường sống của mọi sinh vật trên trái đất lại có sức tàn phá ghê gớm. Khủng khiếp nhất là chính loài người chúng ta lại sản xuất, chế tạo ra chúng rồi cũng thải rác vô tội vạ.

Mỗi năm, chúng ta sản xuất ra 311 triệu tấn nhựa, theo vòng quay tiêu dùng, 8 triệu tấn trong số đó trở thành rác thải biển, tiêu diệt môi trường sống của muôn loài cá cũng như sinh vật biển và phá hỏng sự cân bằng sinh thái. Nếu gom đủ tất cả đồ nhựa được sản xuất ra từ trước đến nay, chúng ta có thể dùng chúng quấn quanh trái đất tới sáu vòng.

Trên thế giới hiện nay, một số quốc gia và nhiều thành phố đã ra nghiêm lệnh cấm các loại đồ nhựa từ dao dĩa, đĩa, cốc nhựa, đến các loại túi nilon, kèm theo các hình phạt nặng như phạt tiền hoặc thậm chí phạt tù, gồm Kenia, Neu-Delhi, Ý, Ruanda, San Francisco, Bangladesh; Trung Quốc – Singapore còn cấm cả kẹo cao su. Những quốc gia và thành phố khác cũng bắt đầu ra lệnh cấm và sẽ thực hiện trong vòng năm nay (2018) hoặc 2-4 năm tới gồm Pháp, Costa Rica, Salzburg, Seattle, v.v.

Tại Đức, tuy chưa có luật nghiêm cấm như những nơi nói trên, nhưng từ tháng 4-2014, Quốc hội Châu Âu đã thông qua một dự luật giảm số lượng tiêu dùng túi nilon xuống một nửa cho đến hết năm 2017 và tiếp tục giảm xuống 80% cho đến năm 2019 (so sánh với năm 2010).

Bộ môi trường liên bang Đức (Bundesumweltministerium) đã kêu gọi sự tham gia của các doanh nghiệp buôn bán trên thị trường tiêu dùng. Nên từ khoảng hai năm trở lại đây, hầu hết các cửa hàng bán quần áo như H&M, Pimkie, Orsay … đến các siêu thị bán thực phẩm, quán ăn, nhà hàng, cửa hàng bánh mỳ, hàng thịt v.v… đều đồng loạt tính phí cho các loại túi nilon ngay tại quầy tính tiền, thậm chí cao hơn phí mua túi giấy – hoặc họ hỏi khách hàng có mang theo túi vải riêng của mình không. Theo thông tin mới nhất vào tháng 5-2018 trên trang mạng trực tuyến của Hiệp hội bảo vệ người tiêu dùng verbraucherzentrale.de, nếu mức tiêu dùng túi nilon không giảm được như dự kiến, rất có thể Bộ môi trường sẽ áp dụng một luật cấm.

Ví dụ như tại Irland, mức thuế phải nộp cho mỗi túi nilon hiện là 22 Cent. Bằng cách này, Irland đã giảm được việc sử dụng túi nilon một cách đáng kể – từ con số mỗi người dùng tới 328 túi trong năm xuống còn 14 túi! Tuy nhiên, chưa tính đến những loại túi mỏng đựng hoa quả, rau dưa hay thực phẩm tươi, bởi các cửa hàng hay quầy hàng trong siêu thị vẫn đóng gói cho khách hàng như vậy mà không tính thêm tiền. Thế nhưng, phương án đánh thuế cao cũng khiến công dân Ái Nhĩ Lan bắt đầu quan tâm hơn đến việc bảo vệ môi trường, đến vấn nạn rác thải trên biển và tìm hiểu cả những ảnh hưởng của đồ nhựa tới tiêu chuẩn sống.

Để so sánh: Theo thống kê của Cơ quan môi trường liên bang (Umweltbundesamt) thì ở Đức, mức tiêu thụ túi nilon mỗi năm là 115 chiếc/ người (76 túi loại dày và 39 túi loại mỏng, nhỏ). Mức tiêu thụ trung bình trong khắp khối Châu Âu là 198 túi/ người trong năm.

Lưu Minh