Float banner Left 160x600

Float banner Left 160x600

Thực tập tại các công ty của Đức thách thức và cơ hội

Ảnh minh họa: Trung Hiếu

Tại Đức, để có được vị trí thực tập trong các công ty, nhà máy, các sinh viên phải lên kế hoạch tìm kiếm trước một thời gian. Đây cũng là một trong những đặc tính cơ bản mà giáo dục Đức rèn luyện cho sinh viên. Đó là tác phong chủ động lên kế hoạch trong mọi công việc: học tập và thi cử, cụ thể ở đây là tìm nơi thực tập.

Quá trình thực tập trong trường đại học của Đức thường được chia làm hai giai đoạn: Thực tập cơ bản: Sinh viên sẽ làm quen với các công việc cơ bản nhất liên quan đến ngành mình sẽ theo học (quá trình này kéo dài khoảng từ 4 đến 8 tuần) và thực tập chuyên ngành (chuyên sâu): Đây là giai đoạn thực tập quan trọng nhất, sinh viên sẽ nhận được những công việc cụ thể và hoàn thành trong một thời gian từ 4 đến 6 tháng.

Quá trình tìm kiếm vị trí thực tập

Tại Đức, để có được vị trí thực tập trong các công ty, nhà máy, các sinh viên phải lên kế hoạch tìm kiếm trước một thời gian. Sinh viên có thể thực tập ở thành phố khác nơi học nên cần có thời gian để tìm nhà trọ và giải quyết các công việc khác như tìm người thuê lại nhà… Đây cũng là một trong những đặc tính cơ bản mà giáo dục Đức rèn luyện cho sinh viên. Đó là tác phong chủ động lên kế hoạch trong mọi công việc: học tập và thi cử, cụ thể ở đây là tìm nơi thực tập. Một điều khá đặc biệt là đa số sinh viên Đức không sống cùng gia đình mà sống tự lập trong ký túc xá hoặc tự thuê nhà riêng (cũng là một cách rèn luyện tính tự lập khi đã đủ tuổi trưởng thành).

Thông thường đối với thực tập chuyên sâu sinh viên cần tìm trước tối thiểu 4 tháng, thực tập cơ bản thì có thể ngắn hơn. Quá trình tìm nơi thực tập cũng hết sức đa dạng, song có 2 phương pháp tìm nơi thực tập phổ biến là: tìm trên internet và ở các viện nghiên cứu.

+ Tìm trên internet: đây có thể nói là phương pháp tìm kiếm phổ biến nhất. Sinh viên vào trong các trang web của các công ty muốn thực tập, sau đó tìm đến các bộ phận thực tập mong muốn của mình. Đối với các đề tài có sẵn thì có thể nhanh chóng nộp hồ sơ đến thẳng cán bộ phụ trách nhân sự. Việc chuyển hồ sơ có thể gửi trực tiếp hoặc qua internet. Nếu chưa có các đề tài phù hợp, sinh viên có thể đề xuất nguyện vọng của mình. Dữ liệu của sinh viên sẽ được lưu trong cơ sở dữ liệu của công ty. Khi công ty có các đề tài tương ứng sẽ liên hệ lại với các sinh viên.

+ Tìm ở các viện nghiên cứu: Các viện nghiên cứu thường có những mối quan hệ rất mật thiết với các công ty. Vì thế, để nhanh chóng tìm được  các sinh viên thực tập, làm việc cho các đề tài của mình, các công ty gửi thông báo cho các viện nghiên cứu. Một lý do nữa là, một số cán bộ trước đây từng công tác trong các viện của các trường sau đó chuyển ra làm việc tại các công ty nên họ cũng có mối quan hệ mật thiết cũng như sự đánh giá khá sát chất lượng đào tạo và khả năng làm việc của các sinh viên. Việc gửi hồ sơ cũng tương tự như phương pháp tìm kiếm trên internet.

Sau khi hồ sơ được xét duyệt, sinh viên sẽ được mời đến phỏng vấn trực tiếp tại công ty. Trong quá trình phỏng vấn, sinh viên cần thể hiện được sự tự tin, những điểm mạnh và sự quan tâm của mình tới công ty cũng như với lĩnh vực sẽ được giao.

Ảnh minh họa: Trung Hiếu

Thực tập

Trong giai đoạn này, sinh viên sẽ nhận được những bài toán, vấn đề cụ thể để tự nghiên cứu và giải quyết (các sinh viên cũng nhận được sự hỗ trợ của các cán bộ, song không nhiều). Đối với các sinh viên Đức thì việc tìm một vị trí thực tập không khó, còn với sinh viên nước ngoài nói chung và sinh viên Việt Nam nói riêng thì việc xin thực tập khó hơn một chút do nhiều vấn đề, trong đó có vấn đề ngoại ngữ.

Nguyễn Anh Đức, hiện đang thực tập tại công ty Festo, có trụ sở tại Esslingen cho biết: “Công việc thực tập ở đây thực sự bổ ích. Bạn sẽ không thể nhận ra bạn cần phải hiểu sâu vấn đề lý thuyết đến đâu nếu như bạn không đụng chạm vào công việc thực tế. Quá trình thực tập sẽ tạo cơ hội cho bạn hiểu ra những kiến thức mình đã học, đáp ứng được  nhu cầu công việc tới đâu, từ đó điều chỉnh bản thân để chuẩn bị tốt cho nghề nghiệp trong tương lai. Trong khi thực tập, bạn phải hết sức nỗ lực. Khi vào công việc, ai cũng bận cả, các cán bộ hướng dẫn chỉ giới thiệu tài liệu và yêu cầu, mình phải tự nghiên cứu và làm hết… Sau dần dần mình sẽ học được ở họ nhiều điều, không chỉ là cách nghiên cứu, giải quyết vấn đề mà còn là tác phong làm việc. Khi thực tập, tôi cảm nhận được niềm vui của một sinh viên khi được tiếp xúc với thực tế và hiểu rằng việc làm chủ kiến thức của mình quan trọng đến thế nào”. Đức cho biết, anh muốn phát triển đề tài thực tập này và viết đề tài thạc sỹ của mình tại công ty.

Một sinh viên khác- Nguyễn Đăng Hải- hiện đang viết luận văn thạc sỹ tại công ty Baker Hughes INTEQ (Celle Technology Centre). Trong quá trình thực tập, Hải đã nỗ lực cùng các đồng nghiệp nghiên cứu và hiện đang đăng ký cấp bằng sáng chế với đề tài: “Xử lý tín hiệu chống nhiễu của hệ thống giàn khoan”. Anh đã nhận được lời đề nghị tiếp tục làm việc để phát triển tiếp hướng nghiên cứu đó sau khi tốt nghiệp.

Không được suôn sẻ như các bạn khác, Hà Minh Phượng làm thực tập tại công ty ôtô VW. Công việc của Phượng là nghiên cứu máy CNC thế hệ mới. Vì đề tài này khá mới mẻ nên cả Phượng và các đồng nghiệp đều bỡ ngỡ, khiến công việc thực tập gặp không ít khó khăn về tiến độ. Phượng cho biết, hàng ngày anh đều phải nán lại cơ quan để đọc tài liệu, cuối tuần cũng cố gắng tranh thủ nghiên cứu thêm. Hiện nay, Phượng đã nắm khá tốt các quy trình công nghệ mới.

Kết thúc giai đoạn thực tập, sinh viên sẽ phải viết báo cáo về các công việc đã làm. Sinh viên có thể viết luận văn tốt nghiệp tại trường đại học hoặc trong các công ty. Vì thế, sau khi thực tập sinh viên có thể phát triển đề tài đã làm để viết luận văn tốt nghiệp.

Ở Đức khi đi thực tập hầu hết sinh viên sẽ được trả tiền. Tuy số tiền đó không nhiều song cũng đủ trang trải cuộc sống, đồng thời nó cũng tạo cho sinh viên có cảm giác hứng thú như đang đi làm thực sự.

Cách tổ chức thực tập ở Đức giúp sinh viên có một cái nhìn sâu sắc hơn về những vấn đề đã được học, được rèn luyện tác phong nghiên cứu và làm việc. Quá trình này, sinh viên có điều kiện tiếp xúc trực tiếp với thực tế và chuyên sâu lĩnh vực mà mình mong muốn, là bước chuẩn bị rất tốt cho quá trình công tác sau này. Nhiều trường đại học và các nhà tuyển dụng đánh giá cao giai đoạn thực tập- được coi như thước đo đánh giá khả năng tìm kiếm và giải quyết công việc của sinh viên, một nền tảng quan trọng cho công việc trong tương lai.

Nghĩ về việc thực tập ở Việt Nam

Nhìn về thực tế trong nước, quá trình thực tập vẫn chưa được quan tâm đúng mức. Tình trạng thực tập hết sức hình thức khiến cho sinh viên cảm thấy bị động và thiếu hứng thú với công việc. Hiện tượng sinh viên thực tập sáng đến quét nhà, pha trà, đọc và ghi chép số liệu chớp nhoáng, chiều về sớm là chuyện khá phổ biến. Sinh viên tiếp cận ít với thực tế cả trong quá trình học tập và thực tập khiến hầu hết các nhà tuyển dụng phải đào tạo lại khi tiếp nhận.

Thiết nghĩ, các nhà quản lý giáo dục Việt Nam cần nâng cao ý thức cho sinh viên về quá trình thực tập cũng như tăng cường sự phối, kết hợp giữa nhà trường, sinh viên và các công ty, nhà máy. Nhiều công ty ở Việt Nam đã có trang web song phần lớn cũng chưa có những thông tin gắn kết với sinh viên. Có như vậy, khi các sinh viên ra trường họ sẽ có sự định hướng, tự tin và có chất lượng hơn, góp phần đẩy mạnh quá trình phát triển đất nước.
———-
* Sinh viên hệ Thạc sỹ Cơ Điện tử- Đại học Tổng hợp Hannover)

Theo Vũ Anh Tuấn / tiasang.com.vn

Ở Đức khi đi thực tập hầu hết sinh viên sẽ được trả tiền. Tuy số tiền đó không nhiều song cũng đủ trang trải cuộc sống. Đồng thời nó cũng tạo cho sinh viên có cảm giác như đang đi làm thực sự và có cảm giác hứng thú, trách nhiệm hơn trong công việc.