Float banner Left 160x600

Float banner Left 160x600

2019 – năm thế giới thức tỉnh về biến đổi khí hậu

Ảnh minh họa: pixabay.com

Trước những cảnh báo của các nhà khoa học, năm 2019 người dân khắp thế giới đã xuống đường báo động về tình trạng khẩn cấp của khí hậu: học sinh bãi khóa, người dân biểu tình… làm tê liệt các thành phố lớn.

Đi chệch hướng mục tiêu ngăn nhiệt độ tăng

Theo hãng tin AFP, trong nhiều thập kỷ qua, các nhà khoa học đã cảnh báo về nguy cơ đối với nhân loại và trái đất do tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch. Thông điệp của họ giờ đây đã rõ ràng khi năm 2019 đang trên đà đến vị trí năm nóng thứ hai trong lịch sử (sau năm 2016).

Theo nội dung của Thỏa thuận Paris 2015, các quốc gia cam kết giữ nhiệt độ toàn cầu không tăng quá 2 độ C và giới hạn ở 1,5 độ C so với trước thời kỳ công nghiệp để hạn chế những tác động xấu của vấn đề nóng lên toàn cầu.

Báo cáo của Ủy ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) của Liên Hiệp Quốc tháng 10-2018 công bố tin dữ: Trái đất đã nóng lên 1 độ C và thế giới đang đi chệch hướng đến mục tiêu giới hạn mức tăng nhiệt độ ở 1,5 độ C. 

Chênh lệch 0,5 độ C, theo các nhà khoa học, đã tạo ra sự khác biệt đáng kể cho trái đất. Năm 2019, lần đầu tiên thông điệp về sự chênh lệch này đã được nhấn mạnh trên toàn cầu. 

Bà Corinne Le Quere, Chủ tịch Cao ủy về biến đổi khí hậu của Pháp và là thành viên của Ủy ban biến đổi khí hậu của Anh, cho biết: “Tôi đã làm việc trong lĩnh vực biến đổi khí hậu 30 năm qua với tư cách là nhà khoa học và có đến 29 năm không ai chú ý đến những gì chúng tôi làm”. 

Báo cáo của IPCC kết luận phát thải COtoàn cầu phải giảm 45% vào năm 2030 và đạt mức cân bằng giữa lượng phát thải tạo ra và hấp thu lại vào năm 2050 để nhiệt độ trái đất không tăng quá 1,5 độ C. 

Tuy nhiên tháng trước, Liên Hiệp Quốc vừa điều chỉnh những cảnh báo của họ: lượng phát thải carbon toàn cầu phải giảm 7,6% mỗi năm đến năm 2030 thì chúng ta mới có cơ hội đạt mục tiêu giữ nhiệt độ trái đất không tăng quá 1,5 độ C. 

Tuy nhiên, thế giới đang đi chệch hướng vì năm 2019, mức phát thải CO2 toàn cầu dự báo sẽ tăng 0,6%.

Trong khi đó, hội nghị thượng đỉnh về khí hậu COP25 ở Madrid trong tháng 12 đã hầu như không đạt được sự đồng thuận của các quốc gia về một kế hoạch nhằm đối phó với tình trạng trái đất nóng lên. Kết quả hội nghị là một sự thất vọng và hơn hết, nó thiếu những cam kết mà các nhà khoa học cho là cần thiết để giải quyết khủng hoảng khí hậu.

Một năm khí hậu cực đoan

Chúng ta chứng kiến nhiều sự kiện thời tiết cực đoan ở hầu hết mọi nơi trên thế giới trong năm nay: bão Idai ở Mozambique, bão Hagibis ở Japan, sóng nhiệt chết người, nóng kỷ lục ở châu Âu, cháy rừng ở California và miền đông nước Úc, lũ lụt ở Venice, Ý… và nhiều thiên tai khác.

Mối đe dọa do biến đổi khí hậu đã trở nên nghiêm trọng và rõ ràng đến nỗi Indonesia, một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất hiện nay, đã quyết định chuyển thủ đô đến một nơi có thể an cư, không bị chìm.

Trước rất nhiều bằng chứng và sức ép từ các cuộc biểu tình, chính phủ các nước bắt đầu chậm chạp chuyển mình trong năm 2019. 66 nước trên thế giới đã công bố kế hoạch hành động hướng tới mục tiêu cân bằng CO2 năm 2050. 

Các thành phố như London và Paris đã chính thức đưa ra tuyên bố khẩn cấp về sinh thái và khí hậu. 

Chốt lại năm 2019 ở khía cạnh khí hậu, giáo sư Alfredo Jornet, Đại học Oslo, Na Uy nhận định: Khi hạn chót thực hiện các cam kết của thỏa thuận khí hậu Paris đang đến gần, cùng với hàng loạt các hội nghị thượng đỉnh quan trọng về môi trường sẽ được tổ chức trong năm 2020, những bất ổn khí hậu như chúng ta đã thấy trong năm 2019 không phải là trường hợp hi hữu và chắc chắn chúng sẽ tiếp diễn trong năm 2020.

“Câu hỏi đặt ra là chúng ta phải nhìn nhận tình trạng bất ổn khí hậu thời gian quan như thế nào để có thể hướng đến một xã hội tốt hơn, yên bình, dân chủ, và bền vững hơn”, Jornet nói. “Ở một khía cạnh nào đó, biến đổi khí hậu làm cho tất cả chúng ta trở nên bình đẳng hơn và hành động cùng nhau nhiều hơn”.

Theo Hồng Vân / tuoitre.vn