Đức là quốc gia liên bang gồm 16 bang, nằm ở Trung Âu và có chung đường biên giới với 9 nước, giáp với Đan Mạch ở phía bắc, Ba Lan và Séc ở phía đông, Áo và Thụy Sĩ ở phía nam, Pháp, Luxembourg, Bỉ và Hà Lan ở phía tây. Lãnh thổ Đức rộng 357.021 km vuông, có khí hậu ôn đới. Với gần 82 triệu người, Đức là nước có dân số lớn nhất trong Liên minh châu Âu và là nước có số dân nhập cư lớn thứ ba trên thế giới.
Nước Đức là một cường quốc với nền kinh tế có GDP danh nghĩa đứng thứ tư và lớn nhất trong các nước châu Âu, nếu tính theo GDP sức mua tương đương thì Đức đứng thứ năm trên thế giới vào năm 2014. Quốc gia này có một mức sống cao và hệ thống an sinh xã hội toàn diện. Nước Đức giữ vị trí chính yếu trong quan hệ ở châu Âu cũng như có nhiều liên kết chặt chẽ trên thế giới và được biết đến là dẫn đầu trong nhiều lĩnh vực khoa học kỹ thuật.
Đức là nước có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất thế giới. Vì tương đối nghèo về tài nguyên nên nền kinh tế Đức tập trung vào các lĩnh vực sản xuất công nghiệp và dịch vụ. Nền công nghiệp Đức đóng vai trò trụ cột trong nền kinh tế Đức và nếu so sánh với các nước công nghiệp khác như Anh hoặc Mỹ thì nền công nghiệp Đức đã tạo được mạng lưới rộng khắp với rất nhiều việc làm. Ước tính sản xuất công nghiệp đóng góp 37% trong tổng năng lực nền kinh tế Đức. Các sản phẩm công nghiệp của Đức luôn được đánh giá là tốt nhất thế giới.
Tuy có nhiều tập đoàn công nghiệp lớn, nhưng xương sống của kinh tế Đức lại là các công ty với quy mô trung bình dưới 1000 nhân viên. Nền tảng cho sức mạnh cạnh tranh quốc tế không chỉ nằm ở các tập đoàn lớn như Siemens, Volkswagen, Allianz, SAP hoặc BASF được niêm yết trên thị trường chứng khoán mà còn nằm ở hàng chục nghìn doanh nghiệp chế biến, gia công vừa và nhỏ (có dưới 500 nhân công), đặc biệt trong các ngành chế tạo máy và công nghiệp phụ trợ, cũng như trong ngành công nghệ Nano và sinh học. Những doanh nghiệp này thực sự tạo nên xương sống cho nền kinh tế Đức, tạo việc làm cho hơn 25 triệu người. Ngày nay, các công ty vừa và nhỏ cung cấp việc làm cho gần 70% lực lượng lao động của Đức.
Chỉ với 4 ngành công nghiệp chủ đạo của Đức bao gồm sản xuất ô tô, điện tử, cơ khí và hóa chất nơi 3 triệu nhân công làm việc đã mang lại doanh thu lên đến 767 tỷ euro vào năm 2013.
Đức tập trung chuyên môn hóa phát triển và chế tạo các sản phẩm công nghiệp phức hợp, nhất là các thiết bị công nghiệp và công nghệ sản xuất mới. Các ngành công nghiệp quan trọng nhất của Đức là chế tạo xe hơi, chế tạo máy, kỹ thuật điện, điện tử và công nghiệp hóa chất. Chỉ riêng trong bốn ngành này đã có 2,9 triệu người làm việc và tạo ra doanh số hơn 800 tỉ Euro.
Động lực đổi mới là ngành chế tạo ô tô: khoảng 30% tổng đầu tư của các doanh nghiệp Đức vào nghiên cứu, phát triển đến từ ngành này. Với sáu hãng sản xuất xe hơi là VW, Audi, BMW, Daimler, Porsche (VW) và Opel (General Motors), Đức là một trong số những nước sản xuất ô tô lớn nhất thế giới bên cạnh Nhật Bản, Trung Quốc và Mỹ với một thị phần khá lớn trên thị trường xe hạng trung và hạng cao cấp. Các nhãn mác xe hơi sang trọng nhất thế giới ngày nay hầu như đều có nguồn gốc từ Đức như Bayerische Motoren Werke AG (BMW), Daimler AG (Mercedes-Benz), Porsche, Audi, Volkswagen,Bugatti, Lamborghini, Mini, Rolls-Royce, Bentley…..
Ngành quan trọng thứ hai đứng sau ngành sản xuất ô tô đó là ngành chế tạo máy với gần 6.000 công ty đóng góp 13% tổng doanh số công nghiệp. Đây là ngành công nghiệp tạo nhiều việc làm nhất (965.000 chỗ làm) và là ngành xuất khẩu hàng đầu, nên ngành chế tạo máy giữ một vị trí then chốt trong nền kinh tế Đức. Ngành công nghiệp điện thuộc những ngành tăng trưởng mạnh nhất và đặc biệt đổi mới. Hơn 20% số dự án được giới công nghiệp đầu tư ở Đức cho nghiên cứu và phát triển được ngành công nghiệp điện thực hiện.
Điều gì là nhân tố tạo nên sự thành công của nền công nghiệp Đức, đó chính là các chính sách hiệu quả đã được chính phủ Đức ban hành và áp dụng một cách thành công trong thực tế, cụ thể là:
1. Chính phủ đã phát triển chiến lược cụm công nghiệp đồng bộ cho tất cả các bộ ngành, đây là một chiến lược có phạm vi rộng, từ các biện pháp với các tác động rộng lớn trên nhiều khía cạnh, đến các định hướng chuyên biệt nhằm vào công nghệ hoặc vào khu vực nhất định nhằm hướng đến mục tiêu thúc đẩy và tài trợ cho các cụm có sản lượng cao, năng suất lao động lớn.
2. Tài trợ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, tăng tỷ trọng đầu tư vào đổi mới của các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Nước Đức có hơn 100.000 doanh nghiệp vừa và nhỏ trong đó có rất nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ giữ vị trí hàng đầu trong công nghệ, bao gồm các nội dung cụ thể như sau:
- Củng cố năng lực đổi mới của doanh nghiệp vừa và nhỏ
- Mở rộng tài trợ cho nghiên cứu phát triển và đổi mới ở doanh nghiệp vừa và nhỏ
- Tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động của các doanh nghiệp tư nhân, bao gồm thiết kế các chương trình cung cấp các khoản vay dài hạn, lãi suất thấp, liên tục cải tiến hệ thống thuế, ban hành các chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của các hiệp hội tại Đức.
- Giảm tình trạng quan liêu thông qua việc thành lập một cơ quan độc lập để đánh giá các điều luật, chính sách đã ban hành nhằm giảm gánh nặng cho các doanh nghiệp.
3. Đầu tư vào đội ngũ trí thức bao gồm một số nội dung sau:
- Đảm bảo độ khả dụng của một lực lượng nhân lực có kỹ năng, được đào tạo với trình độ cao với một loạt chương trình có tên là “Dẫn đầu nhờ giáo dục”, “hiệp ước về việc làm nhằm củng cố động lực tăng trưởng và hiện đại hóa”, chương trình “Đóng góp của lao động di cư đảm bảo số lượng nhân công cần thiết tại Đức”…
- Mở rộng cung cấp tài chính cho học tập bao gồm các đạo luật về đào tạo và giáo dục cho phép thanh niên hoàn thành quá trình đào tạo không phụ thuộc vào tình trạng tài chính của gia đình họ, đạo luật về thúc đẩy đào tạo nâng cao sự nghiệp theo hướng đào tạo chuyên sâu.
- Phát triển liên tục hệ thống đào tạo hướng nghiệp với quan điểm đáp ứng những thách thức trong tương lai thông qua Công ước Giáo dục và Đào tạo hướng nghiệp theo đó ngành công nghiệp cam kết sẽ cung cấp 30.000 vị trí đào tạo thường xuyên mới và 25.000 vị trí đào tạo định kỳ hàng năm.
- Phát triển và cải thiện các quy trình đào tạo suốt đời và đào tạo hướng nghiệp liên tục thông qua Ủy ban đổi mới về đào tạo liên tục trong đó phát triển chiến lược tổng thể về học tập suốt đời và đào tạo hướng nghiệp liên tục.
4. Hỗ trợ cho việc truyền bá và áp dụng công nghệ mới vào thực tế, chú trọng đến việc khai thác và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, thiết lập việc tiêu chuẩn hóa các quy trình đổi mới, đồng bộ hóa các quy trình, đưa các kết quả nghiên cứu của các trường đại học và viện nghiên cứu vào sử dụng thương mại.
Với định hướng phát triển đúng và phù hợp với thực tiễn, nước Đức đã thực sự thành công trong việc tạo ra những sản phẩm công nghiệp chế tạo có chất lượng hàng đầu thế giới cho dù Đức là một đất nước mà số giờ làm việc của người lao động ít hơn số giờ làm việc của người lao động ở hầu hết bất cứ nước nào.
Lực lượng lao động không nổi trội bởi năng suất đặc biệt, và thời gian tới trường của trẻ em ở đây ít hơn nhiều nước láng giềng. Cụ thể là trong số 43 nước OECD, chỉ có ở Hà Lan là người dân có số giờ làm việc ít hơn ở Đức, số thời gian trẻ em Đức ở trường học ít hơn 25% so với học sinh ở Ý .
Hiện nay, công nghiệp đóng vai trò đầu tàu cho các hoạt động ngoại thương của Đức. Chỉ với 4 ngành công nghiệp chủ đạo của Đức bao gồm sản xuất ô tô, điện tử, cơ khí và hóa chất nơi 3 triệu nhân công làm việc đã mang lại doanh thu lên đến 767 tỷ euro vào năm 2013. Các tập đoàn, công ty Đức đã tạo nên danh tiếng cho các sản phẩm của đức trên toàn thế giới, là sự đảm bảo cho dấu ấn chất lượng “Made in Germany“ được coi trọng trên khắp thế giới và là sự đảm bảo cho đổi mới, chất lượng và sự vượt trội về kỹ thuật.
Theo Nhật Hạ tổng hợp / daikynguyen.vn