Miễn phí, không miễn phí, lại miễn phí
Cũng như các quốc gia thuộc khu vực Bắc Mỹ, Úc hay châu Á, châu Âu vẫn đang nỗ lực để thực hiện các chương trình quốc tế hóa giáo dục rầm rộ. Trong đó các chương trình thu hút du học sinh vẫn luôn là mục tiêu hàng đầu của nhóm các quốc gia không đông dân như châu lục này. Thế nhưng, khác với Anh, khi mà mức học phí luôn cố định và chỉ có tăng chứ không giảm, thì nhóm các quốc gia thuộc Liên minh châu Âu, EU, vẫn đang loay hoay với việc tìm ra phương án tối ưu cho mức học phí áp dụng trên nhóm học sinh nước ngoài, kể cả học sinh thuộc EU hoặc đến từ các châu lục khác.
Đơn cử như tại Phần Lan, từ đầu năm chính phủ đã thông báo về kế hoạch miễn phí tiền học cho nhóm sinh viên nước ngoài bắt đầu từ năm học mới, thì cho đến thời điểm hiện tại kế hoạch này gần như “hoàn toàn biến mất” và không để lại dấu vết gì. Theo đó, trong năm học mới này, một sinh viên đến từ quốc gia ngoài Liên minh châu Âu khi học đại học và cao học tại Phần Lan vẫn phải đóng mức học phí thấp nhất 1.500 Euro mỗi năm, chưa bao gồm các khoản chi phí liên quan đến học thuật khác.
Đây không phải là lần đầu tiên mà các du học sinh chứng kiến sự nhập nhằng về học phí đại học tại Phần Lan. Các chính sách và kế hoạch được chính phủ Phần Lan thông qua về việc miễn học phí rồi lại thay đổi liên tục xuất hiện trong nhiều năm qua khiến quốc gia này mất đi một lượng lớn du học sinh mặc cho mức học phí là không cao.
Sinh viên nước ngoài học tập tại quốc gia này với tiền đóng học phí đã mang lại nguồn lợi về kinh tế lên đến 165,5 triệu krone Đan Mạch, tương đương 23,8 triệu USD
Đặc biệt trong những năm 2010 – 2014, chính phủ Phần Lan đã đề xuất chương trình hỗ trợ 8.000 Euro cho các sinh viên nước ngoài học cao học tại Phần Lan nhưng chương trình sau đó bị tạm dừng vô thời hạn bởi các thành viên của Quốc hội nước này. Lý do của sự dừng thi hành chương trình là do các nhà lãnh đạo Phần Lan cho rằng, một khi những thạc sĩ này tốt nghiệp và sang làm việc cho các quốc gia khác thì Phần Lan, hay nói cụ thể hơn, là cục thuế của quốc gia này sẽ chẳng thu được lợi ích gì từ chương trình hỗ trợ trên.“Sức hấp dẫn của các công ty, tập đoàn tại những quốc gia ở Anh, Mỹ hay Úc sẽ thu hút những cử nhân, thạc sĩ mà Phần Lan tài trợ đến đầu quân. Và khi đó Phần Lan xem như đã đầu tư số tiền không nhỏ đào tạo nguồn nhân lực để phát triển nền kinh tế của những quốc gia khác”, Arto Satonen, Đại biểu Quốc hội Phần Lan, biện luận.
Sau đó, dù những nghi vấn của Satonen có phần không chính xác khi theo thống kê từ Trung tâm chuyển dịch Quốc tế Phần Lan thì có đến 44% du học sinh đại học Phần Lan tiếp tục ở lại làm việc và cống hiến cho các công ty nước này thêm 5 năm sau khi tốt nghiệp, chương trình hỗ trợ vẫn không được đưa ra bàn luận thêm một lần nào nữa.
Đan Mạch, quốc gia tiến hành nghiên cứu về những tác động tích cực và tiêu cực mà quốc tế hóa giáo dục mang lại cho nền giáo dục nước này, đã nhận thấy việc thu học phí các du học sinh là một nguồn lợi rất lớn cho quốc gia. Theo đó, sinh viên nước ngoài học tập tại quốc gia này với tiền đóng học phí đã mang lại nguồn lợi về kinh tế lên đến 165,5 triệu krone Đan Mạch, tương đương 23,8 triệu USD. Vì thế, dù tỉ lệ cử nhân nước ngoài ở lại Đan Mạch làm việc sau khi tốt nghiệp không cao, chỉ vào khoảng 40%, nhưng đó cũng không tạo ra gánh nặng cho nền giáo dục quốc gia này vì nó đã được bù đắp bởi nguồn thu học phí tăng đều qua từng năm.
Miễn phí để thu về lợi ích
Chúng tôi luôn có niềm tin rằng miễn học phí đại học là một nền tảng quan trọng để xây dựng một xã hội phát triển và bình đẳng
Có thể nói tại Iceland không có sự phân biệt giữa sinh viên trong nước và quốc tế, thậm chí một số chương trình quảng bá giáo dục đại học Iceland còn cho biết, các sinh viên nước ngoài nhận được nhiều đặc quyền hơn cả sinh viên bản xứ khi học tập tại đây.
“Là một quốc gia ít dân cư và có nền giáo dục không thể sánh bằng với các quốc gia láng giềng nên các trường đại học tại Iceland luôn nắm bắt mọi cơ hội để đem về cho mình những học viên nước ngoài. Những chính sách như miễn học phí, cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp cũng chính là một trong những chiến lược của chính phủ và nhà trường để thu hút nhóm du học sinh này”, Jón Atli Benediktsson, Hiệu trưởng kiêm Chủ tịch Đại học Iceland, cho biết.
Cũng tương tự như Iceland khi nhận thấy những lợi ích kinh tế, giáo dục mà các du học sinh sẽ mang lại, tuy nhiên giáo dục đại học Đức lại không thể đưa ra chính sách miễn học phí do các rào cản về tài chính được quy định bởi chính phủ.
Theo đó, dù cho biết sẽ nhận được những lợi ích từ hơn 340.000 du học sinh đang học tập tại các trường đại học trên khắp đất nước, nhưng điều mà các trường đại học nước này có thể làm được, đó là đưa học phí dành cho du học sinh xuống mức thấp nhất, từ 500 đến 1.500 Euro mỗi học kỳ. Dù không thể tạo ra sức hút bằng việc miễn học phí nhưng nếu so sánh với Anh, khi mức học phí lên đến 18.000 bảng hay Mỹ, khoảng 24.000 USD, thì đây vẫn là mức học phí vô cùng hấp dẫn đối với một quốc gia có nền giáo dục hàng đầu thế giới như Đức.
Sức hấp dẫn của các công ty, tập đoàn tại những quốc gia ở Anh, Mỹ hay Úc sẽ thu hút những cử nhân, thạc sĩ mà Phần Lan tài trợ đến đầu quân. Và khi đó Phần Lan xem như đã đầu tư số tiền không nhỏ đào tạo nguồn nhân lực để phát triển nền kinh tế của những quốc gia khác,
Ở trong một hoàn cảnh tương tự nhưng giáo dục Na Uy đã thực hiện thành công phương án miễn học phí cho du học sinh, thành phần mà các nhà giáo dục quốc gia này cho rằng là thành tố quan trọng của một xã hội dân chủ bình đẳng và phát triển bền vững. “Chúng tôi luôn có niềm tin rằng miễn học phí đại học là một nền tảng quan trọng để xây dựng một xã hội phát triển và bình đẳng. Trong đó, các du học sinh sẽ đóng vai trò quan trọng bởi những tiềm năng mà họ sẽ mang lại cho đất nước họ đang theo học hay có thể là làm việc sau khi tốt nghiệp”, Ole Petter Ottersen, Hiệu trưởng Đại học Oslo, cho biết.
Trước đó, chính sách này vấp phải nhiều ý kiến cho rằng việc miễn phí đại học áp dụng cho du học sinh sẽ khiến cho chất lượng đầu vào bị suy giảm và yêu cầu có những kỳ kiểm tra, xét duyệt để thanh lọc các sinh viên nước ngoài đăng ký học tập tại quốc gia này. “Việc sàng lọc hay tiến hành thu học phí đối với một nhóm đối tượng du học sinh nhất định dù có thể cải thiện chất lượng đầu vào của du học sinh nhưng nó lại đi ngược với bản sắc vốn đã trở thành biểu tượng của Na Uy. Ngoài ra việc thu phí đối với một nhóm sinh viên nhất định có thể sẽ dẫn đến tình trạng mở rộng việc thu học phí đối với các nhóm đối tượng khác”, Ottersen chia sẻ.
“Sự khác biệt giữa tình trạng học phí đại học giữa các quốc gia tại châu Âu có thể cần nhiều thời gian để đi đến tính đồng nhất tương đối. Còn ở giai đoạn hiện tại thì có lẽ điểm chung duy nhất của các trường là làm cách nào để có được sinh viên ưu tú nhất, kể cả học viên bản xứ lẫn du học sinh”, Markus Laitinen, trưởng bộ phận quan hệ quốc tế Đại học Helsinki, cho biết.
Theo đó, dù cho biết sẽ nhận được những lợi ích từ hơn 340.000 du học sinh đang học tập tại các trường đại học trên khắp đất nước, nhưng điều mà các trường đại học nước này có thể làm được, đó là đưa học phí dành cho du học sinh xuống mức thấp nhất, từ 500 đến 1.500 Euro mỗi học kỳ. Dù không thể tạo ra sức hút bằng việc miễn học phí nhưng nếu so sánh với Anh, khi mức học phí lên đến 18.000 bảng hay Mỹ, khoảng 24.000 USD, thì đây vẫn là mức học phí vô cùng hấp dẫn đối với một quốc gia có nền giáo dục hàng đầu thế giới như Đức.
|
Theo Minh Hiền / Báo Giáo dục & Thời đại