TBVĐ- Người bị bệnh nặng có thể được cấp thuốc độc để được “giải thoát” khỏi chuỗi ngày bị bệnh tật hành hạ.
Theo phán quyết của tòa án hành chính liên bang Leipzig, trong một số trường hợp ngoại lệ đặc biệt, người bị bệnh nặng có thể được cấp thuốc để „tự tử không đau đớn“. Quyết định này bị nhiều nhà bảo vệ bệnh nhân chỉ trích.
Một người đàn ông đến từ Braunschweig thay mặt người vợ đã khuất đâm đơn kiện. Từ khi bị tai nạn năm 2002, vợ ông bị liệt hoàn toàn từ cổ trở lên. Bà phải thở nhân tạo và được chăm sóc y khoa. Ngoài ra, bà còn bị những cơn co giật hành hạ thường xuyên. Bà cảm thấy mình „sống không bằng chết“ nên năm 2004 đã đệ đơn lên Viện về dược phẩm và các sản phẩm y khoa (BfArM) để được cấp phép mua thuốc độc tự tử nhưng bị từ chối. Do đó, năm 2005, bà sang Thụy Sỹ và kết thúc cuộc đời nhờ sự hỗ trợ của hiệp hội Dignitas.
Chồng bệnh nhân kiện vụ việc ra tòa, yêu cầu được xác minh hành động từ chối cấp thuốc độc của BfArM trái pháp luật. Tuy nhiên, các tòa án ở Đức không thụ lý vụ kiện của ông, do ông không phải người trực tiếp liên quan. Mãi đến khi đơn kiện được trình lên Tòa án Châu Âu về nhân quyền (EGMR) tại Straßburg năm 2012, đơn kiện của ông mới được xem xét.
Ban đầu, trong phiên tòa sơ thẩm, người chồng bị thua kiện. Tòa án Hành chính Liên bang đã tiếp nhận vụ án. Theo phán quyết của tòa, từ chối cấp thuốc để „tự tử không đau đớn“ là hành vi trái pháp luật. Tòa căn cứ vào quyền cá nhân (Persönlichkeitsrecht), trong đó có quy định „bệnh nhân bị bệnh nặng, không có thuốc chữa có quyền quyết định kết thúc cuộc đời mình khi nào và bằng cách nào“. Điều kiện quan trọng là bệnh nhân phải tự quyết định và có đủ nhận thức đưa ra quyết định.
Về cơ bản, việc bán thuốc độc không được cho phép, nhưng trong một số trường hợp ngoại lệ đặc biệt có thể bán cho bệnh nhân bệnh nặng, không qua khỏi, nếu „họ tự đưa ra quyết đinh nghiêm túc về việc kết thúc cuộc đời“ và khi không có giải pháp y khoa nào khác. Đáng lẽ ra Viện BfArM phải kiểm tra việc này. Tuy nhiên bây giờ đã quá muộn.
Hiệp hội bác sỹ Liên bang chỉ trích phán quyết này, do trên thực tế sẽ gặp phải rất nhiều rắc rối nếu cho phép „chết hỗ trợ“. „Ai sẽ là người quyết định về trường hợp ngoại lệ đặc biệt?“. Hiệp hội bảo vệ bệnh nhân (deutsche Stiftung Patientenschutz) chỉ trích phán quyết này là „xa thực tế“, do không có thước đo khách quan cũng như pháp lý nào về sức chịu đựng của bệnh nhân. Ngoài ra, quyết định này như một „cái tát” vào mặt Hiệp hội chống tự tử ở Đức. Năm 2015, Quốc hội đã thông qua quy định cấm hỗ trợ tự tử dưới hình thức kinh doanh.
Bảo Ngọc