TBVĐ- Mua xe cũ ở salon đắt hơn mua xe tư nhân khoảng 8%, nhưng bù lại khách hàng được hưởng nhiều dịch vụ hơn.
Một độc giả gửi câu hỏi về Thời báo Việt Đức như sau: „Tôi muốn mua một ô tô, nhưng vì mới có bằng lái xe và tài chính có giới hạn nên tôi muốn mua xe cũ. Qua tìm hiểu trên các diễn đàn và hỏi kinh nghiệm bạn bè xung quanh, tôi biết việc mua xe ô tô đã qua sử dụng tư nhân như chơi xổ số. Nếu may thì gặp được xe tốt, không may đành chịu. Tôi quyết định mua xe đã qua sử dụng từ salon ô tô, nhưng vẫn chưa hiểu rõ chính sách bảo hành xe đã qua sử dụng tại đấy. Rất mong tòa soạn giải đáp thắc mắc của tôi?“
Chịu trách nhiệm hư hỏng khi giao xe
Uớc tính của Hiệp hội ô tô Đức ADAC cho thấy mua xe cũ ở salon ô tô đắt hơn mua xe tư nhân khoảng 8%, nhưng bù lại khách hàng được hưởng nhiều dịch vụ hơn. Điển hình nhất là việc bên bán là salon ô tô sẽ chịu trách nhiệm đối với tất cả hỏng hóc có từ thời điểm giao xe (Sachmängelhaftung). Theo Luật Dân sự, người bán phải đảm bảo hàng bán không bị hỏng hóc.
Quy định này áp dụng cho cả bán xe cũ. Các cửa hàng phải chịu trách nhiệm ít nhất một năm cho mọi hỏng hóc có từ thời điểm giao xe và cả những hỏng hóc có sau khi mua, nhưng không thích hợp với tuổi xe, số km đã đi và tình trạng xe đã hứa hẹn. Những thỏa thuận trong hợp đồng mua như „tình trạng xe như đã xem“ hoặc „không chịu trách nhiệm đối với những trục trặc của xe“ đều vô hiệu lực.
Tuy nhiên, khi phát hiện ra sai sót, khách hàng không được tự ý mang đến xưởng sửa mà phải đem đến cho người bán. Nếu sau hai lần sửa, cửa hàng vẫn không thể khắc phục được sai sót đó, khách hàng có quyền rút lại hợp đồng mua, có nghĩa trả lại xe và nhận lại tiền, yêu cầu giảm giá hoặc đền bù thiệt hại.
Bảo hành xe cũ cho khách hàng
Bên cạnh đó, ô tô dù cũ nhưng thường vẫn được hưởng chế độ bảo hành (Gebrauchtwagengarantie). Khác với Sachmängelhaftung, các cửa hàng không có trách nhiệm bảo hành xe cũ bắt buộc. Tuy nhiên, đa số các salon ô tô đều có dịch vụ này, có nơi tính luôn vào tiền bán, có nơi thu thêm phí. Phí bảo hành không được quá 250 Euro một năm. Thông thường, chỉ những xe dưới 10 năm tuổi và chạy không quá 100.000 đến 150.000 km mới được kí bảo hành. Mặc dù dịch vụ bảo hành có thể thỏa thuận bằng miệng, nhưng thông thường khách hàng nhận được giấy chứng nhận bảo hành, trong đó có ghi rõ điều kiện bảo hành (bảo trì, thời gian bảo hành, giới hạn số km).
Khách hàng chỉ được bảo hành, khi có thỏa thuận rõ ràng với người bán. Nếu không có thỏa thuận đồng nghĩa không có bảo hành. Bảo hành này không chỉ áp dụng cho những hỏng hóc có ngay từ khi giao xe, mà cho tất cả. Tuy nhiên, thông thường bảo hành này chỉ áp dụng cho một số bộ phận xe nhất định hay khách phải đóng một phần chi phí. Do đó, trước khi kí phải đọc kĩ điều kiện bảo hành. Trong đó cũng ghi rõ thời gian và những phụ tùng được bảo hành, trách nhiệm người mua phải tuân theo để được bảo hành, chẳng hạn phải bảo trì xe đúng thời hạn. Ngoài ra phải kiểm tra xem người mua có phải tự chịu một phần chi phí không. Đối với dịch vụ này, khách không có quyền rút lại hợp đồng mua hay yêu cầu giảm giá.
Khách hàng nên cân nhắc kí thêm bảo hành xe cũ, do thông thường cửa hàng chỉ chịu trách nhiệm cho những hỏng hóc có từ thời điểm giao xe. Những hỏng hóc có trong 6 tháng đầu tiên thường được xem như hỏng hóc ban đầu và được bảo hành. Sau 6 tháng, khách hàng phải chứng minh được hỏng hóc đó có từ khi mua xe. Ngược lại, đối với dịch vụ bảo hành xe cũ, thời gian bảo hành dài hơn. Một lợi thế khác là khách hàng có thể sửa xe ở các xưởng sửa xe khác.
Trong một số trường hợp, khi có hỏng hóc, cửa hàng yêu cầu người mua sử dụng dịch vụ bảo hành. Nếu công ty bảo hành từ chối sửa chữa miễn phí, hay yêu cầu người mua trả một phần (chẳng hạn do bảo hành không áp dụng cho một số bộ phận nhất định), khách hàng nên kiểm tra lại xem hỏng hóc đó có từ thời điểm giao xe không, khi đó cửa hàng phải có trách nhiệm sửa chữa.
Những trường hợp không được bảo hành Không có quy định luật pháp nào về phạm vi bảo hành. Đa số công ty không chi trả trong các trường hợp sau: Thiệt hại do tai nạn xe; xe bị hỏng do sử dụng không đúng cách; xe bị thiệt hại do động vật, tác động của thiên nhiên như mưa bão, mưa đá; Thiệt hại do chiến tranh, biểu tình, khủng bố; Thay đổi thiết kế, nâng cấp hay sử dụng những thiết bị không được hãng xe chấp nhận; Sử dụng xe sai mục đích hay cho thuê xe; Thiếu hay sử dụng không đúng nhiên liệu khiến xe bị hỏng. |
Cách nhận biết cửa hàng đáng tin cậy Không chỉ mua ô tô trên mạng mới phải đề phòng, mà mua tại salon ô tô cũng vậy. Không nên tin vào những lời quảng cáo như „tình trạng rất tốt“, „như mới“. Tốt nhất, khi mua xe phải kiểm tra kĩ hợp đồng mua, đọc hết cả phần chữ in nhỏ. Cửa hàng uy tín sẽ điền đầy đủ hợp đồng, xác nhận bằng văn bản tất cả những bảo hành và một biên bản chi tiết về những hỏng hóc hiện có của xe. Một dấu hiệu đáng tin cậy khác là thông tin xác nhận xe đã được kiểm tra tổng quát tại xưởng ô tô. |
Ngọc Chiến