Đức đã phải đối mặt với tranh cãi liên quan việc công ty vận tải biển Trung Quốc có kế hoạch mua lại 35% cổ phần của một bến tàu tại cảng Hamburg.
Theo trang tin Euronews ngày 26/10, Đức đã đạt được thỏa hiệp về một động thái gây tranh cãi khi cho phép tập đoàn vận tải biển Trung Quốc, COSCO Shipping, mua cổ phần của bến tàu Tollerort tại cảng Hamburg – cảng bận rộn thứ ba của châu Âu.
Ban lãnh đạo của Tollerort hy vọng rằng nguồn vốn của Bắc Kinh sẽ tăng cường khả năng cạnh tranh và cải thiện vị thế của cảng trong trao đổi hàng hóa với Trung Quốc.
Thỏa thuận này gây tranh cãi bởi vì, vào thời điểm Đức đang tìm cách cắt giảm nhập khẩu năng lượng của Nga, nước này được coi là ngày càng gia tăng sự phụ thuộc vào Trung Quốc. Bên cạnh đó, việc mua bán cũng dẫn đến lo ngại rằng các cơ sở hạ tầng quan trọng rơi vào tay nước ngoài.
Hôm 26/10, Chính phủ Đức đã đồng ý cho phép COSCO Shipping mua cổ phần dưới 25%, thay vì 35% theo kế hoạch trước đó, sau khi Thủ tướng Olaf Scholz phản đối các lời kêu gọi cấm hoàn toàn thương vụ gây tranh cãi này. Bộ Kinh tế Đức cho biết quyết định được đưa ra nhằm ngăn chặn một “khoản đầu tư chiến lược” của COSCO vào cảng Hamburg.
Liệu công ty Trung Quốc có được phép tham gia vào quyền sở hữu của bến tàu trên hay không đã gây ra những cuộc tranh luận chính trị căng thẳng khi Đức phải vật lộn với hậu quả của việc phụ thuộc lớn vào khí đốt tự nhiên của Nga.
Các nghị sĩ Đức từ đảng Xanh và đảng Dân chủ Tự do, đều nằm trong minh cầm quyền với đảng Dân chủ Xã hội của Thủ tướng Đức Olaf Scholz, đã công khai chỉ trích đề xuất ban đầu (cho công ty Trung Quốc mua 35% cổ phần) vào tuần trước, viện dẫn những lo ngại về vấn đề an ninh.
Trước đó, 6 bộ trong Chính phủ Đức, trong đó có bộ kinh tế, ngoại giao và quốc phòng, đã phản đối kế hoạch ban đầu với lý do khi COSCO trở thành cổ đông lớn của cảng, họ có thể nhận được quá nhiều đòn bẩy.
Bộ Kinh tế Đức cho biết COSCO sẽ không thể chiếm cổ phần vượt quá ngưỡng 1/4 trong tương lai nếu không có quy trình xem xét đầu tư mới, lưu ý rằng tập đoàn của Trung Quốc cũng không có quyền phủ quyết đối với các quyết định kinh doanh chiến lược hoặc nhân sự theo thỏa thuận trên.
Phản ứng về những tranh cãi trên của Đức, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân (Wang Wenbin) nói: “Đây là sự hợp tác nên đôi bên cùng có lợi. Chúng tôi hy vọng các bên liên quan sẽ nhận thấy sự hợp tác thiết thực giữa Trung Quốc và Đức một cách hợp lý và ngừng thổi phồng vấn đề một cách không chính đáng”.
Theo truyền thông Đức, Thủ tướng Scholz, người có kế hoạch đến thăm Trung Quốc vào đầu tháng tới với một phái đoàn gồm các đại diện doanh nghiệp Đức, đã ủng hộ việc COSCO mua cổ phần tại cảng Hamburg.
Tuy nhiên, Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock cho rằng Berlin cần tránh lặp lại những sai lầm trong quan hệ với Trung Quốc như trong quan hệ với Nga. Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier cũng cảnh báo không nên quá phụ thuộc vào Trung Quốc.
Các cơ quan tình báo Đức hồi đầu tháng cho biết nguồn tài chính của Trung Quốc có thể trở thành rủi ro đối với Đức, đặc biệt là do mối quan hệ kinh tế và khoa học chặt chẽ giữa hai nước.
Tại cuộc điều trần trước Quốc hội Đức, người đứng đầu cơ quan tình báo nội địa nước này Thomas Haldenwang, đã so sánh với tình hình địa chính trị bất ổn hiện nay do cuộc xung ở Ukraine, khi cho rằng “Nga là cơn bão, Trung Quốc là biến đổi khí hậu”.
Hiện COSCO cũng nắm giữ cổ phần tại một số cảng châu Âu khác, trong đó có cảng Piraeus của Hy Lạp.