Mặc dù các em học sinh Việt ở Đức được đánh giá là ngoan và học giỏi hơn so với các em nhập cư khác, nhưng các em vẫn phải đối mặt với rất nhiều áp lực trong học tập.
Thực tế do rào cản ngôn ngữ, bận rộn với công việc nên việc giáo dục kiến thức cho con bố mẹ trao cả cho nhà trường và xã hội. Nhờ sự ưu việt của môi trường giáo dục ở Đức, đa phần trẻ phát triển tốt cả về nhân cách và kiến thức.
Thực tế, ở Đức không ít cha mẹ Việt bất nhất bắt con theo lối giáo dục truyền thống của gia đình và văn hoá Việt, trong đó có chọn ngành học cho tương lai.
Tuy nhiên, học nghề là lựa chọn rất ít của phụ huynh Việt. Hầu hết mọi người đều mong ước con mình thành đạt, thành đạt ở đây là bằng cấp, học vị. Mong ước này cũng không có gì là quá đáng nhưng cái khó là mỗi đứa trẻ lại là một cơ thể, một tâm hồn độc lập.
Khi sinh ra hay lớn lên tại nước Đức thì sự độc lập đến từ tư duy một cách tự nhiên, điều này đôi khi chống lại tư duy của cha mẹ chúng. Nhiều bạn trẻ để chiều cha mẹ, chúng đã chọn một ngành học mà mình không thích nhưng lại là ước mong của bậc sinh thành. Đáng tiếc học không đơn giản đã đành sống với nghề mình không yêu càng khổ. Đây là một trong những lý do sinh viên bỏ học giữa chừng để chuyển đổi ngành học khác.
Khi con bỏ học chuyển trường thay vì động viên con thì nhiều phụ huynh gây áp lực cho con. Có những em rơi vào tình trạng trầm cảm nặng, có em bỏ học đã lâu mà không muốn cho cha mẹ biết vì sợ phụ huynh lo lắng hay mắng mỏ. Trầm cảm trong sinh viên không ít. Cha, mẹ Việt cũng có người quan tâm nhưng nhiều người không hiểu hết vấn đề. Thay vì giúp con vượt qua trầm cảm họ còn đẩy tình trạng lên cao khiến con trẻ không còn nơi nương tựa.
Với con cái chưa trưởng thành, cha mẹ hãy cùng con trên từng bước chân. Hãy quan sát và tìm hiểu thật kỹ, đọc và tìm hiểu nhiều về hướng nghiệp hay đến hội tư vấn nghề nghiệp tìm thông tin và lời tư vấn. Từ đó chuẩn bị cho con một hướng đi đúng đắn.
Mai Anh