Nhiệt độ trung bình toàn cầu trong ngày 17/11 vừa qua lần đầu tiên tăng hơn 2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Đây là số liệu được Cơ quan giám sát tình trạng biến khí hậu Copernicus (C3S) của Liên minh châu Âu (EU) công bố ngày 20/11.
Theo đó, nhiệt độ trung bình toàn cầu vào ngày 17/11 cao hơn 2,07 độ C so với mức trung bình trong thời kỳ từ năm 1850-1900 và đây cũng là mức tăng cao nhất được ghi nhận từ trước tới nay. Dựa trên số liệu sơ bộ, C3S dự báo vào ngày 25/11 tới, nhiệt độ trung bình toàn cầu có thể tiếp tục cao hơn khoảng 2,06 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp.
Tháng 9 vừa qua, C3S nhận định năm 2023 “gần như chắc chắn” sẽ vượt kỷ lục năm nóng nhất ghi nhận vào năm 2016, theo đó có thể ghi nhận nền nhiệt chưa từng thấy trong lịch sử loài người, nhiều khả năng là nóng nhất trong hơn 100.000 năm. Riêng tháng 10 vừa qua có nền nhiệt cao hơn 1,7 độ C so với mức trung bình tháng 10 trong thời kỳ tiền công nghiệp.
Cùng ngày 20/11, Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) đã công bố báo cáo về Khoảng cách phát thải hằng năm, trong đó cảnh báo hành tinh đang trên đà nóng lên một cách thảm khốc từ 2,5 độ C đến 2,9 độ C trong giai đoạn từ nay đến năm 2100. Nếu chỉ dựa vào chính sách và nỗ lực cắt giảm khí thải hiện nay, Trái Đất sẽ nóng thêm tới 3 độ C, vượt xa các giới hạn then chốt mà Hiệp định Paris 2015 về biến đổi khí hậu đặt ra. Cũng theo báo cáo của UNEP, tính từ đầu năm đến đầu tháng 10, có tới 86 ngày ghi nhận nhiệt độ trung bình toàn cầu tăng hơn 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp.
Với Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu năm 2015, các nước đã nhất trí giữ mức tăng nhiệt độ Trái Đất ở ngưỡng 1,5-2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Cho đến nay, việc nhiệt độ toàn cầu tăng thêm gần 1,2 độ C đã làm gia tăng các tác động chết người trên khắp hành tinh. Theo UNEP, trên thực tế, nhiệt độ đã tăng trên 1,5 độ C trong hơn 80 ngày trong năm nay, mặc dù ngưỡng tăng này sẽ được đo ở mức trung bình trong vài thập kỷ. Trước tình hình này, báo cáo kêu gọi “những nỗ lực đầy tham vọng và khẩn cấp từ tất cả các quốc gia nhằm giảm việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch và nạn phá rừng”.
Theo kế hoạch, Hội nghị lần thứ 28 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP28) sẽ diễn ra từ ngày ngày 30/11 – 12/12 tới tại thành phố Dubai của Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE). Các nhà lãnh đạo sẽ đưa ra đánh giá chính thức đầu tiên về tiến trình thực hiện các cam kết theo Hiệp định Paris, đồng thời đề xuất những biện pháp đẩy nhanh việc đạt được những mục tiêu đề ra.