Float banner Left 160x600

Float banner Left 160x600

Châu Âu ‘bung cửa’ cho du khách

Malta. Ảnh: Trung Hiếu

Nếu mùa hè năm ngoái của châu Âu bị hủy hoại bởi “bóng ma” COVID-19 thì năm nay với sự có mặt của vắc xin, châu Âu kỳ vọng sẽ có một mùa hè nhộn nhịp đầy ắp tiếng nói cười của du khách.

Nhiều nơi từng là điểm nóng dịch COVID-19 ở châu Âu đang mở cửa trở lại như Pháp, Tây Ban Nha, Hi Lạp, Bồ Đào Nha, Ý. Ngày 9-6, Nghị viện châu Âu đã bỏ phiếu với tỉ lệ ủng hộ áp đảo tán thành “Chứng chỉ COVID-19 kỹ thuật số EU” (giấy thông hành) dành cho việc đi lại tự do xuyên biên giới trong khối từ đầu tháng 7.

Từng bước hồi sinh

Giờ đây với tỉ lệ tiêm vắc xin đang tăng lên trên khắp châu Âu, nhiều người hy vọng sẽ có một mùa hè nhộn nhịp dành cho ngành du lịch, theo Hãng tin AFP. Ủy ban Du lịch châu Âu (ETC) đã đề xuất một chiến dịch lớn mang tên “Mở cửa tới châu Âu”, được kỳ vọng đóng vai trò quan trọng trong việc làm sống lại ngành du lịch ở châu Âu mùa hè năm nay.

Mới nhất, theo Đài Deutsche Welle, Pháp đã mở cửa đón du khách trở lại từ ngày 9-6. Theo quy định mới, những người đã tiêm vắc xin đến từ EU (Liên minh châu Âu) và các nước trong “danh sách xanh” của Pháp (như Hàn Quốc, Nhật Bản và Israel) có thể tránh được yêu cầu xét nghiệm COVID-19. Trong khi đó, những khách chưa tiêm vắc xin đến từ những nơi này có thể nhập cảnh nếu có kết quả xét nghiệm âm tính.

Tây Ban Nha cũng mở biên giới đón du khách đã tiêm vắc xin đầy đủ từ nhiều nước trên thế giới từ hôm 7-6. “Tây Ban Nha hiện là một điểm đến an toàn” – Bộ trưởng Y tế Tây Ban Nha Carolina Darias cho biết. Bà nói rằng xứ sở bò tót đang “trong quá trình giành lại vị trí dẫn đầu toàn cầu trong ngành du lịch”.

“Chúng tôi xúc động và vui mừng. Chúng tôi yêu Tây Ban Nha, yêu ánh mặt trời, thức ăn và mọi thứ về đất nước này. Bạn chỉ sống một lần, do đó cần đi ra bên ngoài và thưởng thức” – bà Gillian Ford, du khách Ireland, chia sẻ trước khi khởi hành tới bãi biển thành phố Marbella (Tây Ban Nha) cùng chồng sau khi họ đã tiêm vắc xin đủ liều.

Còn Hy Lạp đã mở cửa đón du khách từ khoảng 50 nước, trong đó có các quốc gia thành viên EU, Mỹ, Canada, Nga và Trung Quốc. Từ hôm 15-5, nước này bỏ yêu cầu cách ly và du khách chỉ cần đã tiêm vắc xin ngừa COVID-19 hoặc có kết quả xét nghiệm âm tính. Năm ngoái, nước này chỉ đón 7,4 triệu khách, thấp hơn nhiều so với con số 34 triệu của năm 2019.

Hôm 25-5, Cyprus (đảo Síp) đã thông báo mở cửa đón du khách từ hàng chục nước trong và ngoài EU. Còn Croatia đón những khách đã được tiêm vắc xin COVID-19 được EU phê duyệt hoặc vắc xin Sputnik V của Nga.

Vẫn cảnh giác với virus

Ngành du lịch châu Âu đã vật lộn với khó khăn năm ngoái khi lệnh phong tỏa, lệnh giới nghiêm và nhiều biện pháp hạn chế áp dụng với các khách sạn, nhà hàng… đã đe dọa sinh kế của nhiều người trong ngành công nghiệp không khói.

Theo AFP, mùa hè năm 2020 đã chứng kiến sự sụt giảm đột ngột trong hoạt động du lịch xuyên biên giới châu Âu, khiến nhiều bãi biển, thành phố và các tượng đài của châu lục này “vắng vẻ lạ thường”.

Tuy nhiên, năm nay câu chuyện đã khác. Dù đại dịch COVID-19 vẫn chưa bị đẩy lùi khỏi châu Âu, nhưng công tác xét nghiệm đã được đẩy mạnh và công tác tiêm vắc xin COVID-19 đang diễn ra nhanh chóng. Ngoài ra, EU sắp áp dụng giấy thông hành trong khối với tên gọi “Chứng chỉ COVID kỹ thuật số của EU”.

Loại giấy tờ này giúp thu thập các thông tin y tế quan trọng để tăng tốc quá trình xử lý tại các điểm đến. Với hành khách, họ có thể di chuyển xuyên biên giới các nước EU mà không cần cách ly.

Ủy ban châu Âu (EC) hôm 8-6 cho biết hơn 1 triệu người châu Âu đã nhận được giấy thông hành trên của EU. Loại giấy tờ này cho thấy tình trạng của hành khách, chẳng hạn có tiêm vắc xin, có từng mắc COVID-19 và bình phục hoặc có kết quả xét nghiệm âm tính hay không.

Loại giấy này dự kiến được EU sử dụng từ ngày 1-7 nhưng EU muốn nhiều nước thành viên cấp càng sớm càng tốt. Tính đến ngày 8-6 đã có 9 nước thành viên EU đã cấp giấy trên gồm Hy Lạp, Tây Ban Nha, Croatia, Đức, Bulgaria, Cộng hòa Czech, Đan Mạch, Lithuania và Ba Lan.

Dù trao phao cứu sinh cho ngành du lịch, chính phủ các nước cho biết họ vẫn phải ngăn chặn một làn sóng dịch COVID-19 thứ tư. “Chúng ta phải hòa hợp sự tự do di chuyển với nhu cầu an ninh” – Bộ trưởng Du lịch Pháp Jean-Baptiste Lemoyne phát biểu.

Theo Bảo Anh / tuoitre.vn