Câu hỏi:
Tôi kinh doanh ngạch nhà hàng từ năm 2001. Tới đầu năm 2015, bị kiểm tra thuế 3 năm 2010, 2011, 2012. Mãi không thấy họ trả lời gì cả, tôi yên tâm, mừng thầm, 15 năm nay mới bị kiểm tra một lần, thật may chẳng sao. Đùng một phát, ngày 22.09.2015, tôi bị cảnh sát, thuế vụ tới bao vây nhà hàng, nhà riêng của tôi lẫn nơi tôi ở cùng bạn gái, lục soát, thu sạch sành sanh tất cả mọi giấy tờ hồ sơ họ nghi ngờ, cùng 41.050,- Euro tiền mặt. Tới ngày 29.09.2015, họ mới tống đạt tới tôi lệnh lục soát, thu giữ tài sản (xin gửi kèm theo). Phiên dịch giải thích cho tôi được quyền chống lại lệnh này trong vòng 1 tháng. Xưa nay tôi chưa hề mảy may nghĩ tới nông nỗi đó, nên rất lo sợ, tinh thần khủng hoảng, tức tốc tìm đến luật sư, ủy quyền cho họ. Tới nay đã sang tháng thứ 4, tôi sốt ruột hỏi hoài, mà luật sư cứ bảo chờ, chỉ làm được mỗi việc gửi giấy cho Sở Tài chính đòi xem hồ sơ để cân nhắc việc chống lại lệnh thu giữ tài sản. Vậy xin nhờ Thời báo Việt Đức giúp đỡ, cho biết tôi phải làm gì tiếp với số tiền lời lãi họ ấn định ghi trong lệnh lục soát này và số tiền họ đã thu giữ của tôi? Trước đó, họ chưa hề cung cấp cho tôi bản báo cáo kiểm tra thuế như mọi người, để tôi biết sai chỗ nào còn cãi. Tôi thấy bao nhiêu người bị kiểm tra thuế không sao; vậy lý do gì họ có quyền khám xét thu giữ tài sản tôi? (NVA).
Trả lời:
Xưa nay, nhiều người Việt bị kiểm tra thuế, có người bị truy thu lên cả trăm nghìn Euro, thậm chí cá biệt tiền triệu. Nhưng con số bị phạt hình sự rất hiếm, bởi họ được coi không có tội, chẳng qua khai báo thiếu thuế so với thuế vụ hạch toán (Steuerverkürzung), nên chỉ bị truy thu số tiền thiếu đó. Nhưng gần đây, số lượng người Việt bị kiểm tra thuế chuyển sang điều tra hình sự tội trốn thuế ngày một dồn dập như cơn bão. Thậm chí, đang bán hàng, bỗng dưng thuế vụ tới chìa thẻ, lập biên bản kiểm tra quỹ tiền mặt trong Kasse, in X-Bon ra mang về.
Qúy độc giả NVA chính nằm trong số đông trên. Khi bị kiểm tra thuế, có thể linh cảm trước, hoặc nhận ra ngay hậu họa, nếu thấy các dấu hiệu:
(1) Thời gian kiểm tra thường quá dài trong khi lẽ ra chỉ gói gọn 1 đến 2 tháng là họ đã có kết quả tạm tính gửi cho đương sự lấy ý kiến lần cuối cùng để thống nhất.
(2) Trầm trọng hơn khi bị khám xét lục soát nhà cửa tạm giữ tài sản, hoặc
(3) nhân viên kiểm tra thuế vụ viết ngay giấy chuyển sự việc cho bộ phận điều tra hình sự thuế Steuerfahndungsstelle (chức năng tương tự như Viện kiểm sát, nhưng trong lĩnh vực thuế) đưa đương sự ký nhận tại chỗ, nếu họ phát hiện có dấu hiệu trốn thuế công khai.
(4) Không ít trường hợp sau khi có kết luận kiểm tra thuế mới bị chuyển tiếp sang điều tra tội hình sự. Tuy nhiên không hẳn cứ có quyết định điều tra hình sự là bị truy tố trước tòa, lãnh án tù, hay phạt tiền, tất cả tùy thuộc kết quả kiểm tra thuế cãi được hay không, ở mức độ nào.
Trường hợp Qúy độc giả NVA thuộc điểm (1), trong lúc đang kiểm tra thuế, bộ phận điều tra thuế vụ Steuerfahndungsstelle đã ra quyết định điều tra tội hình sự trốn thuế ngày 28.05.2015 kèm lệnh khám xét nhà cửa tịch thu tài sản. Lệnh đó được tòa án chuẩn y ngày 17.06.2015 cho phép khám xét nơi kinh doanh, nhà ở và các phòng ốc liên quan, chiểu theo Điều 102, 105, Luật tố tụng. Như vậy lý do khám xét thu giữ tài sản là do bị cáo buộc tội trốn thuế. Khởi đầu từ nhân viên thuế vụ trực tiếp kiểm tra đề xuất, chuyển hồ sơ qua bộ phận điều tra thuế vụ của Sở Tài chính và cuối cùng được toà án Amtsgericht địa phương chấp thuận. Để qua ngần ấy khâu thẩm định cho tới khi triển khai được lệnh lục soát cần nhiều thời gian. Chính vì vậy, sau vài tháng bị kiểm tra thuế không nhận được báo cáo tạm thời về kết quả kiểm tra thì khả năng bị chuyển qua điều tra hình sự rất lớn.
(còn tiếp)
Chuyên mục tư vấn giải đáp vướng mắc Thời báo Việt Đức
Hãy nhấn “Thích Trang” và “Chia sẻ” bên dưới để mọi người có nhiều thông tin về pháp luật, các chế độ chính sách đối với người nước ngoài ở Đức trên trang Facebook của bạn!