Float banner Left 160x600

Float banner Left 160x600

Con đường tới Đức cách đây 50 năm

Ảnh minh họa: nguồn https://pixabay.com

TBVĐ- Ngày 28.12.1965, Đoàn tàu chở chúng tôi, gần 100 lưu học sinh (cách gọi lúc đó) sang Đức, kéo còi, nhả khói xình xịch khởi hành từ ga Hàng Cỏ, Hà Nội. Trước đó, trùng dịp lễ Noel, Đại sứ CHDC Đức tới tiễn đưa, lưu luyến tặng đoàn kẹo Sô cô la, nhiều người lần đầu tiên trong đời được thưởng thức nó thật ngọt ngào không thể nào quên.

Trước đó, một đoàn lưu học sinh đi mọi nước, đông gần 2000, được tuyển chọn từ các tỉnh về từ giữa tháng 7 đến hết tháng 8, tập trung tại Đại học Sư phạm Cầu Giấy, Hà Nội làm công tác chuẩn bị và học tập chính trị. Tới huấn thị là những cán bộ trung ương tầm cỡ, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Tố Hữu, Chủ nhiệm UBKHXH, Giáo sư Nguyễn Khánh Toàn, Bí thư Trung ương Đoàn Nguyễn Tiên Phong. Kết thúc khóa học vào dịp quốc khánh, Đoàn được tổ chức đến nghĩa trang Mai Dịch, Hà Nội, trong đêm hừng hực đốt đuốc, tuyên thệ trước khi xuất ngoại, khí thế thiêng liêng như chiến sỹ cảm tử vào chiến trường. Bởi lúc đó du học không hề mang nghĩa nghề nghiệp mưu sinh mà được kỳ vọng đem kiến thức văn minh với hoài bão to lớn trở về xây dựng tổ quốc… Từ tháng 9, đoàn đi các nước Liên xô, Bungari, Hungari, Rumani, Ba Lan, Mông Cổ, Cu Ba, Triều Tiên, Trung Quốc lần lượt xuất phát. Riêng Đoàn đi CHDC Đức phải về Đại học Ngoại ngữ Thanh Xuân, Hà Nội, học 3 tháng tiếng Đức, do hai thầy giáo Đỗ Ngoạn và Thanh Bình giảng dạy. Cả hai thầy trước đó đều đã học bên Đức từng dạy thế hệ học sinh Việt Nam đầu tiên sang CHDC Đức ở Doerlitz Dresden.

Kết thúc khóa học, chuẩn bị lên đường, với nhiệm vụ du học để xây dựng tổ quốc, du học sinh được bao cấp hoàn toàn, được cấp phát toàn bộ tư trang, mỗi người 1 va li,1 áo bành tô đen chống tuyết nặng trĩu vai thời Nga Hoàng, com lê, áo len, bộ đồ thể thao và quần áo lót, nữ còn được phát cả áo dài truyền thống. Mọi thủ tục giấy tờ hộ chiếu, lịch đi, ăn nghỉ đều được cơ quan chuyên trách chăm lo chu đáo.

Đoàn tầu liên vận quốc tế chở chúng tôi đi, được thiết kế phân lô với 6 giường ngủ, chạy suốt không dừng tới ga Đồng Đăng, Lạng Sơn. Hồi đó, Mỹ đã phát động cuộc chiến ném bom miền Bắc làm chúng tôi không khỏi lo lắng cho gia đình phải sống trong cảnh chiến tranh tang tóc. Được ra nước ngoài, ăn học, mà cổ cứ nghẹn lại, nước mắt luôn chực tuôn trào.

Từ Đồng Đăng, tầu chạy tiếp qua cửa khẩu Bằng Tường, Trung Quốc, rồi chuyển sang tầu liên vận mới của họ, chạy tới Vân Nam, qua Quế Lâm, đến Nam Ninh cứ thế tiếp tục dọc theo đất nước họ suốt ngày, suốt đêm cho tới Bắc Kinh thì dừng lại, nghỉ tạm 2 ngày. Đúng vào dịp tuyết đầu mùa, những hạt tuyết nhỏ rơi khe khẽ chạm vào má đã tan biến, để lại một cảm giác lành lạnh là lạ. Ai nói cũng phả hơi, lần đầu trông thấy cứ gây tức cười. Đoàn được bố trí nghỉ ở khách sạn Bắc Vĩ. Vốn đã quen cuộc sống trong nước kham khổ, thiếu thốn đủ đường, nay bỗng được sống nơi tiện nghi sang trọng, phục vụ chu đáo, ăn uống đầy đủ, người lâng lâng như ngấm men say. Có hôm còn được thưởng thức món cá rán to tướng đặt trên bàn tròn quay như trong lễ tiệc. Phía Trung Quốc tổ chức cho đi tham quan Quảng trường Thiên An Môn, Cố Cung, đền Tế Trời, Bách hóa Đại Lầu. Người dân rất thân thiện, con gái trẻ em má cứ ửng lên như hai quả hồng. Đúng mồng một Tết Tây 1966, đoàn tầu đưa chúng tôi đi tiếp lên phía Bắc. Từ ga Bắc Kinh mỗi người được tặng một quyển Mao tuyển và các tài liệu về cánh mạng văn hóa Trung Quốc. Lúc đầu tò mò, ai cũng giữ một cuốn ham mê đọc. Nhưng về sau được phổ biến không đem theo khi chuyển sang tầu Mông Cổ để đi Ulanbator, tất cả đành bỏ lại trên tầu, do hồi đó Trung Quốc Liên Xô mâu thuẫn. Từ Mãn Châu Lý, Mông cổ, tầu cứ vun vút qua các thảo nguyên, khắp nơi toàn cừu và cừu, đúng như Anh Thơ sáng tác „Mông cổ mênh mông chỉ thấy cừu“. Thỉnh thoảng đập vào mắt những bộ xương ngựa hay bò nằm trơ ngay cạnh đường ray. Có lúc lại thấy một người cưỡi ngựa phi từ phía chân trời tới, rồi leo lên một ngọn đồi, tay giơ cao cờ báo hiệu an toàn cho tầu đi tiếp.

Từ Ulanbator, tầu chạy tiếp vào vùng đất Liên xô, lượn quanh hồ Bắc Hải (Bai Can), Đoàn được dịp mục thị cảnh dân chúng hì hục đục các tảng băng thành hố sâu, hay ngồi như tượng bên hố câu cá mặc gió tuyết lạnh giá, được tả trong các truyện Nga. Nhiệt độ ngoài trời nghe nói tới -30 độ C. Tàu dừng ở ga Iêc- Cút. Đập ngay vào mắt chúng tôi là mấy thanh niên say ngang ngửa, đi chân nam đá chân chiêu, loạng choạng, nghiêng ngả trên sân ga. Nghe nói, có người say trèo cả lên đầu tầu ngủ, chết luôn trên đó. Sau Iếc Cút, tầu chạy qua thành phố của các nhà khoa học Xô Viết thời đó Nô Vô Xi Biếc, đến Ôm Xơ Cơ, dãy núi U-Ran, tới Ka San. Từ đó tầu chạy thẳng một mạch đến ga cuối cùng Moscow. Đoàn được bố trí nghỉ tại khách sạn Bông Lúa Vàng gần ngay tượng đài Ziônkipski với ngọn tháp mang hình quả tên lửa, cao chót vót vươn lên trời xanh được coi là biểu tượng ước mơ thống trị vũ trụ của các nhà khoa học. Lần đầu tiên ngỡ ngàng được tắm tập thể dưới vòi nước nóng hoa sen, mấy học sinh nam, dù mặc quần lót vẫn xấu hổ, khi một bà Nga to đùng, ngực rung ra rung rinh cứ dọn dẹp, quét tước rất lâu, thỉnh thoảng còn lướt ánh mắt một lượt rồi cười nói rất to những gì không ai hiểu.

Hai ngày ở Moscow, đoàn được Đại sứ quán cho tham quan Hồng Trường, thăm Gym-Bách hóa tổng hợp và viếng mộ Lê Nin lúc bấy giờ là một vinh hạnh to lớn. Song choáng ngợp nhất, khi lên Đồi Lê Nin thăm quan trường Đại học Lô mô nô xốp thật hùng vĩ. Nhiều nhà khoa học, chính trị tên tuổi Việt Nam từng du học tại đây. Hệ thống tầu điện ngầm thì như mạng nhện, lên xuống các ga hết độ sâu này lại đến độ sâu khác. Các thang máy lên xuống dài dằng dặc, sâu hun hút. Thành phố tạo nên một ấn tượng to lớn, mêng mông với biển nhà cao tầng, thấp thoáng những tháp chuông dạng củ hành mang nhiều mầu sắc, quần tụ chung quanh Hồng Trường và điện Kremlin.

Rời Moscow, tầu chạy qua thủ đô Bạch Nga Minsk, đến pháo đài Brest, ga biên giới giữa Liên Xô và Ba Lan, thì dừng lại thay bánh. Tới Waschau giữa đêm dừng lại hai tiếng, chạy tiếp đến gần tối hôm sau mới tới ga biên giới Ba Lan – Đức, rồi vượt qua sông Oder-Neisser vào lãnh thổ CHDC Đức. Quãng 22 giờ, ngày 10.1.1966, tầu dừng lại tại ga Berlin – Ostbahnhof. Cả đoàn xuống tầu, thật sung sướng hãnh diện trước sự đón tiếp nồng nhiệt trọng thể như một phái đoàn cấp nhà nước tại sân ga bằng ban nhạc kèn đồng, với đông đảo cán bộ Đại sứ quán Việt Nam và phía Đức, phóng viên truyền thanh, truyền hình tác nghiệp hối hả. 25 người được đưa về Leipzig, 63 người về Buckow ngoại ô Berlin, học tiếng Đức. Hôm sau, trong bản tin sáng, xem Đài truyền hình Đức chiếu cảnh đón tiếp Đoàn lưu học sinh Việt Nam tới thủ đô Berlin, ai cũng phấn khích ôm nhau cười chỉ trỏ hình ảnh mình lần đầu tiên trong đời được đưa lên truyền hình, thật hỷ hả.

Trường Buckow trực thuộc Đoàn Thanh niên Tự do Đức, tọa lạc trên một sườn đồi, phía dưới là một hồ nước lớn. Ngày hôm sau đoàn được chia thành từng lớp có thầy cô giáo phụ trách đưa lên 2 xe buýt đi Berlin mua sắm quần áo. Xe chạy tới tận tối xẩm mới tới nơi. Mỗi người được duyệt mua tổng cộng tới 200 Mác, nhưng không ai ham mê tiêu tiền như thời nay, sắm sanh hết nổi số tiền đó. Chẳng ai thích khác ai. Áo khoác Mantel nhất loạt 1 mầu, có 6 cô thì 6 cái áo bành tô màu xanh, sướng như trẻ được quà, ngắm cười rúch rích cả tối. Cả ngày chạy xem hàng hóa cái gì cũng lạ, khuya mới về đến ký túc xá, người mệt lử. Nhưng rạng sáng hôm sau, mắt nhắm mắt mở, đã hừng hực lên lớp học ngay không hề uể oải. Lớp tôi có 14 người, cô giáo Fengler người Jena phụ trách.Thầy hiệu trưởng Köhler rất vui vẻ, miệng luôn nở nụ cười thân thiện, luôn ân cần chăm sóc học sinh như trong gia đình.

Quãng 2 tuần sau, đoàn được đưa về Berlin dự một buổi mít tinh ủng hộ Việt Nam chống Mỹ do trường Đại học Tổng hợp Humboldt tổ chức, có mặt cán bộ nhân viên Đại sứ quán Việt Nam, đông đảo sinh viên các nước tham dự. Sau này, đoàn được phổ biến chính trị, đó là động thái mạnh mẽ nhất của CHDC Đức, nước đầu tiên trong khối Đông Âu dứt bỏ chủ nghĩa xét lại, đoàn kết với các nước trong phe XHCN ủng hộ Việt Nam.

Với gần 100 sinh viên đến Đức đầu năm 1966, số sinh viên Việt Nam được nâng lên gần 200. Từ đó, cộng đồng người Việt, học tập, trao đổi, hợp tác ở Đông Đức liên tục tăng. Trong nước, hình ảnh CHDC Đức có mặt khắp nơi, giúp xây dựng thành phố Vinh, nhà máy sản xuất dụng cụ chỉnh hình Ba Vì, bê tông Đạo Tú, học viện hình sự Vĩnh Yên, nhà máy luyện cán thép Gia Sàng – nơi sau này tôi có dịp làm việc với hơn 200 chuyên gia Đức trong gần chục năm. Tiếp đến, hàng vạn lao động hợp tác xuất khẩu sang Đức. Thống nhất nước Đức, một phần được ở lại định cư tại CHLB Đức, cùng đồng bào định cư phía Tây Đức, hình thành nên một cộng đồng người Việt đông đảo trên trăm nghìn người cùng hàng chục ngàn người nhập quốc tịch, tạo nên sắc tộc Việt trên bản đồ dân cư Đức ngày nay. Trên đó, con đường tha hương của mỗi người đều mang dấu ấn bao kỷ niệm không thể nào quên; hy vọng được truyền lại cho thế hệ mai sau để chúng thấm thía cội nguồn cùng con đường sang Đức của bao thế hệ trước !

Nguyễn Văn Bộ

Bài viết tham gia cuộc thi viết về “Trải nghiệm lịch sử người Việt ở Đức” của Thời báo Việt Đức

Hãy nhấn “Thích Trang” và “Chia sẻ” bên dưới để mọi người có nhiều thông tin về pháp luật, các chế độ chính sách đối với người nước ngoài ở Đức trên trang Facebook của bạn!