TBVĐ- Thời báo Việt Đức muốn giới thiệu đến bạn đọc: Lời khuyên khi mua quà tặng mùa Noel
Đồ chơi
Các đồ chơi như búp bê, ô tô hay thú nhồi bông hoặc mang hình tượng siêu nhân từ truyện tranh, phim hoạt hình, luôn là các món quà yêu thích của trẻ nhỏ. Tuy nhiên các món đồ sản xuất hàng loạt này được các nhà kiểm tra chất lượng khuyến cáo nên xem xét kỹ trước khi mua do các thành phần hóa học chứa trong đó. Ở thú nhồi bông, người ta tìm thấy những chất hóa học có thể gây bệnh ung thư. Ở ga trải giường lại có những chất độc hại cho da. Chất dùng để in chữ và hình lên các túi xách cũng chứa độc hại. Trong khi đó các ô tô đồ chơi được làm bằng nhựa cứng lại không chứa chất độc hại nào.
Bình xịt tạo tuyết giả
Ai sử dụng các loại bình xịt tạo tuyết giả để trang trí nhà cửa, hoạt cảnh, nên cẩn thận với các chất hóa học độc hại trong đó. Theo Hiệp hội „Greenpeace“, bốn trong sáu loại bình xịt được kiểm nghiệm có chứa chất gây ung thu ở mức độ cao, và khuyến cáo không dùng chất tuyết giả trong phòng kín và cần để tránh xa tầm tay trẻ em.
Đèn trang trí
Hàng năm các nhà kiểm tra chất lượng hàng hoá vẫn kiểm tra các dạng đèn trang trí được bán trên mạng và tại các cửa hàng. Theo TüV Rheinland, hơn một nửa trong 52 dạng đèn trang trí được kiểm định không đạt tiêu chuẩn EU. Cứ 5 dạng đèn trang trí được kiểm tra, có 1 gây cháy nổ hoặc bỏng khi nhiệt độ lên trên 100 độ C. Số còn lại không hề có chú thích cho người sử dụng về mức nguy hiểm hay cách phòng tránh cháy nổ.
Bánh kẹo có quế hương
Các loại bánh kẹo này chứa một chất có hại cho sức khỏe là Cumarin, được quy định không vượt quá ngưỡng cho phép. Tuy nhiên, vẫn có hại cho sức khỏe, nếu một em bé có trọng lượng 15 kg ăn khoảng 6 bánh quế hình ngôi sao (Zimtstern) hoặc hơn 100gr bánh quế (Lebkuchen), vì tổng cộng lượng Cumarin sẽ vượt quá giới hạn an toàn. Do đó nên tránh ăn quá nhiều các dạng bánh kẹo này.
Kẹo ngọt
Mặc dù kẹo được trang trí đủ màu sắc để hấp dẫn trẻ nhỏ, rất nhiều loại kẹo lại có chứa rượu. Do đó trước khi mua bánh kẹo cho trẻ em, nên đọc kỹ thành phần chứa trong bánh kẹo. Nếu rượu được dùng để gây mùi, nó có thể không được liệt kê trong thành phần, mà chỉ được ghi có mùi hương (Aroma). Trong trường hợp này, nồng độ cồn có trong kẹo sẽ ở mức 0,01 đến 0,2 %.
Trần Trúc Quỳnh (tổng hợp)
Hãy nhấn “Thích Trang” và “Chia sẻ” bên dưới để mọi người có nhiều thông tin về pháp luật, các chế độ chính sách đối với người nước ngoài ở Đức trên trang Facebook của bạn!