Phía viện công tố luận tội vị quan chức này rất nặng nề và buộc ông ta phải chịu trách nhiệm hoàn toàn về cái chết của ba đứa trẻ. Lập luận buộc tội của phía viện công tố tựu trung lại ở 3 điểm chính.
Thứ nhất, vị thị trưởng kia biết rất rõ – vì ai ai trong thị trấn cũng đều biết rất rõ – là cái ao kia được rất nhiều người dân, cả người lớn cũng như trẻ em, sử dụng làm địa điểm vui chơi giải trí. Có nghĩa rằng nơi cái ao được ngầm công nhận và sử dụng là khu vui chơi, giải trí công cộng.
Thứ hai, đã có khu vui chơi, giải trí công cộng như thế trong phạm vi thị trấn thì người đứng đầu chính quyền thị trấn phải có trách nhiệm là quan tâm đến đảm bảo an ninh, an tòan, trật tự và vệ sinh môi trường.
Thứ ba, vị thị trưởng kia biết như thế và có trách nhiệm như thế mà đã không có bất cứ biện pháp gì để ngăn ngừa những mối nguy hiểm đối với người dân đến khu vực cái ao.
Chuyện chỉ có như vậy. Nếu nhìn nhận từ những giác độ khác nhau thì sẽ có những đánh giá khác nhau về việc vị thị trưởng bị lôi ra tòa. Có người đồng tình với cáo buộc và lập luận của phía viện công tố. Có người lại cho rằng xét xử vị thị trưởng vì chuyện này thì chẳng khác gì “quýt làm, cam chịu”.
Ai cũng có cái lý và cái lẽ riêng. Chính quyền thị trấn đúng là không thể phủ nhận được trách nhiệm. Nhưng nếu đổ hết trách nhiệm cho chính quyền thì thật sự không thể công bằng. Cha mẹ những đứa trẻ xấu số kia cũng phải chịu trách nhiệm chứ? Trường học của chúng cũng phải chịu trách nhiệm chứ? Việc đổ hết trách nhiệm cho chính quyền là việc dễ. Nhưng kết tội chính quyền lại là chuyện luôn không hề dễ đối với tòa. Ở nước Đức và ở đâu cũng thường thế.
Theo mạc Thầy / baophapluat.vn