Float banner Left 160x600

Float banner Left 160x600

Người bỏ trốn khỏi hiện trường tai nạn bị xử lý sao?

Ảnh minh họa: pixabay.com

TBVĐ- Tại Đức, việc xảy ra va chạm giữa hai xe con với nhau không đơn giản chỉ là hỏng xe thì sửa, vì thế nếu người chủ xe lựa chọn cách bỏ trốn thì rất có thể sẽ bị xử phạt tiền, thậm chí còn bị tịch thu bằng lái ít nhất nửa năm.

Những chủ xe tại Đức đều biết rằng, chỉ cần đóng đủ bảo hiểm bồi thường thiệt hại xe cộ thì mỗi lần chẳng may xảy ra va chạm với các xe khác, họ có thể yên tâm giao phó cho hãng bảo hiểm “thu dọn tàn cuộc”.

Vậy mà theo thống kê cho thấy, mỗi năm có tới hàng trăm nghìn người lại lựa chọn bỏ trốn, hòng mong mọi việc tự nhiên êm thấm. Thế nhưng bằng cách đó, họ lại phạm vào tội “đào tẩu” khỏi hiện trường tai nạn, tiếng Đức gọi là Unfallflucht – được qui định trong điều 142 Bộ luật hình sự.

Phải làm sao khi chẳng may va quệt vào xe khác mà đối phương không có mặt tại đó?

Việc đầu tiên là nhờ một người làm chứng, bất kể là có vi phạm luật giao thông hay không. Nếu không nhờ được ai, người gây ra va chạm bắt buộc phải đứng đợi – chỉ cần xe của đối phương bị tổn hại ở mức 50 Euro thì thời gian phải đợi chủ xe về đã là 30 phút, đồng thời thông báo cho cảnh sát. Trong những trường hợp này, việc ghi lại tờ giấy với số điện thoại, địa chỉ rồi gài vào cần gạt nước được coi là không hợp lệ, bởi luật pháp qui định người chủ xe có lỗi phải đích thân đợi tại hiện trường. Tội “bỏ trốn khỏi hiện trường tai nạn” đã được coi là cấu thành, ví dụ chỉ cần chủ xe rời khỏi đó để về nhà cất đồ cách đấy vài trăm mét.

Ngoài ra, điều 34 phần 1 số 1 Luật giao thông đường bộ qui định, nếu va chạm xảy ra thiệt hại nhỏ, cần nhanh chóng chạy xe vào lề đường để giải phóng giao thông, đồng thời thông báo cho cảnh sát. Người chủ xe quyết định rời khỏi hiện trường tai nạn cũng cần nhanh chóng tìm một luật sư bảo vệ quyền lợi cho mình.

Tại Đức, việc xảy ra va chạm giữa hai xe con với nhau không đơn giản chỉ là hỏng xe thì sửa, vì thế nếu người chủ xe lựa chọn cách bỏ trốn thì rất có thể sẽ bị xử phạt tiền, thậm chí còn bị tịch thu bằng lái ít nhất nửa năm theo điều 69 đoạn 2 số 3 Luật hình sự nếu xe của đối phương bị tổn hại nặng từ 1300 Euro trở lên. Không những vậy, người bỏ trốn còn vi phạm hợp đồng và trách nhiệm với bên bảo hiểm xe, mức bồi thường ngược lại dễ lên đến 5000 Euro.

Tuy nhiên, dựa trên nhiều án quyết cho thấy, mức thiệt hại xe 1.300 Euro đã được qui định từ cách đây hơn 15 năm, cho đến thời điểm này dần dần không còn phù hợp với định giá đang ngày một tăng cao trên thị trường sửa xe nữa.

Như mới gần đây, Tòa án thành phố Stuttgart đã tăng mức thiệt hại để tịch thu bằng lái của chủ xe bỏ trốn lên 1.600 Euro (án quyết số Az. 203 Cs 66 Js 36037/17). Án quyết này đến nay mặc dù chưa có hiệu lực, nhưng như vậy có nghĩa là nếu thiệt hại của chiếc xe bị va quệt không đến mức này, người chủ xe kia dù phạm tội bỏ trốn khỏi hiện trường cũng không bị tịch thu bằng lái như qui định trước đây nữa. Ngoài ra Tòa án Stuttgart còn nhấn mạnh rằng, mức thiệt hại 1.600 Euro là chi phí chưa tính thuế GTGT, cũng không bao gồm phí trả cho giám định viên kiểm tra xe. Án quyết này sẽ giúp nhiều chủ xe phạm tội bỏ trốn khỏi hiện trường tai nạn tránh được việc bị tịch thu bằng lái.

Hoàng Anh