Float banner Left 160x600

Float banner Left 160x600

Bàn về luật an ninh mạng của Đức

Ảnh: nguồn https://pixabay.com

TBVĐ- Tội phạm mạng tại Đức được định nghĩa là những tội phạm hình sự liên quan đến mạng internet hoặc sử dụng kỹ thuật internet để gây án.

Tội phạm mạng hoàn toàn khác với tội phạm máy tính. Tội phạm máy tính là sử dụng máy tính – kể cả khi không kết nối internet – như một dạng hung khí để gây án. Nhưng dù là tội phạm mạng hay tội phạm máy tính, đều là những hành vi vi phạm pháp luật dựa vào mạng internet, mạng thông tin và hệ thống truyền tải dữ liệu nhờ vào kỹ thuật truyền thông.

Theo thống kê tội phạm hình sự của cảnh sát Đức thì tuy rằng từ năm 2013 đến 2015, số lượng tội phạm mạng và tội phạm máy tính đã giảm, nhưng 70.000 vụ xảy ra trong năm 2015 vẫn là một con số khổng lồ (năm 2012 là 229.408 vụ) – trong khi đó ở “ngoài đời”, các án trộm cướp “chỉ” có 45.000 vụ và vi phạm luật tàng trữ và sử dụng vũ khí “chỉ” 30.000 vụ.

Mục đích và đối tượng mà tội phạm mạng nhắm đến cũng rất đa dạng, có thể là các doanh nghiệp kinh doanh lớn, các trang mạng trực tuyến của nhà nước, chính phủ, các trang mạng buôn bán tình dục, các trang mạng trực tuyến của ngân hàng hoặc của cá thể tư nhân.

Như thế nào là phạm tội?

Một số hành vi tội phạm được xếp vào tội phạm mạng gồm: (1) lừa đảo mạng như phishing – ăn trộm dữ liệu về tài khoản ngân hàng, lừa đảo và giả mạo danh tính của người khác, trộm cắp dữ liệu, lừa đảo đăng ký trả tiền sử dụng hàng tháng; (2) vi phạm luật cấm phát tán (ví dụ các hình ảnh khiêu dâm, ấu dâm, xâm phạm nhân phẩm con người bằng cách cổ xúy và phát tán những hình ảnh bạo lực, man rợ, kể cả hình ảnh của người đang đau ốm thập tử nhất sinh, người tàn tật …), sử dụng cờ hay con dấu của các tổ chức bị nhà nước cấm hoạt động, xúi giục người khác, gây náo loạn xã hội (ví dụ như cổ xúy những hành động bất nhân thời Phát-xít); (3) vi phạm luật bảo vệ thanh thiếu niên, vi phạm luật bản quyền, khủng bố mạng, những hành vi quấy rối, chửi bới, lăng mạ, chế giễu qua mạng và mọi hành vi, hình ảnh liên quan đến khiêu dâm trẻ em.

Các hành vi phạm tội được xếp vào tội phạm máy tính gồm: xem trộm và ăn cắp dữ liệu (bao gồm cả những bước chuẩn bị gây án trước đó), lừa đảo để lấy quyền đăng nhập vào các trang mạng xã hội hoặc các dịch vụ truyền thông khác, phá hoại máy tính của người khác, xâm nhập và thay dổi dữ liệu, tài liệu của người khác, đánh tráo các thông tin có thể làm bằng chứng, hacking.

Ngoài ra, các tội sử dụng máy tính để lên kế hoạch, chuẩn bị và gây án cũng được liệt vào tội phạm máy tính, hoặc còn các tội như tống tiền qua mạng, vi phạm luật bản quyền, tổ chức các trò chơi may rủi, buôn bán các chất liệu bị cấm, trao đổi hình ảnh về tình dục trẻ em, xâm phạm đời sống riêng tư bằng cách chụp ảnh rồi phát tán trên mạng, hành vi cyber-grooming (một hành vi quấy rối tình dục trên mạng).

Trong công cuộc phòng chống và truy tìm tội phạm mạng, cảnh sát cũng như các tổ trọng án của Cục cảnh sát hình sự liên bang Đức thường xuyên gặp khó khăn trong việc nhận dạng hung thủ, bởi các đối tượng này thông thường không quá nổi bật trong xã hội và thậm chí chưa từng có tiền án tiền sự. Đa số các đối tượng là học sinh, sinh viên, học sinh học nghề – chưa có trường hợp nào mà đối tượng lại là chuyên viên máy tính hay chuyên gia IT – thường sống khép kín, thích tìm bạn và kết bạn qua mạng internet chỉ để trao đổi thông tin, chứ ít khi cùng tham gia các hoạt động thể thao hay gặp gỡ trong cuộc sống thật.

Các biện pháp phòng chống và tự vệ

Người bình thường khi dùng mạng internet luôn phải kiểm tra an toàn dữ liệu của mình, cũng như nếu gặp bất cứ biến cố gì cần thông báo ngay với cảnh sát. Họ luôn có những đội ngũ chuyên gia chỉ chuyên nghiên cứu và giải quyết các vấn đề liên quan đến tội phạm mạng. Tại Đức, việc truy tìm và

bắt giữ tội phạm mạng trước tiên là nhiệm vụ của cảnh sát. Đặc biệt, đây là trách nhiệm của các điều tra viên chuyên ngành thuộc Sở cảnh sát hình sự cấp tiểu bang (LKA) cũng như của các tổ trọng án thuộc Cục cảnh sát hình sự liên bang (BKA). Trong Cục cảnh sát hình sự liên bang có một tổ đặc nhiệm mang tên “SO 4”, thuộc ban chống tội phạm nặng và tội phạm có tổ chức, chuyên có nhiệm vụ truy lùng và khởi tố tội phạm mạng.

Theo cảnh sát, mỗi cá thể đều nên có những biện pháp phòng chống tội phạm mạng bằng cách: thường xuyên cập nhật các ứng dụng bảo vệ hệ điều hành của máy tính cũng như các chương trình cài đặt trong máy; cập nhật các chương trình chống virus; cài đặt ứng dụng tường lửa (firewall); thu hẹp và giới hạn quyền sử dụng của các tài khoản; suy xét kỹ khi sử dụng các dữ liệu và thông tin cá nhân; chỉ sử dụng các trình duyệt an toàn, lập mật khẩu an toàn và thường xuyên đổi mới; truyền tải thông tin chỉ qua các phương pháp mã hóa số liệu, dỡ cài đặt của các ứng dụng không hoặc ít sử dụng; đặt chế độ tự lưu dữ liệu dự phòng/bản sao backups; chỉ sử dụng wifi qua tiêu chuẩn mã hóa WPA2 và thường xuyên kiểm tra tình trạng an ninh của máy tính.

Bộ luật cải thiện việc thực thi pháp luật trong các trang mạng xã hội đã được thông qua vào ngày cuối cùng của nhiệm kỳ quốc hội năm 2017, hiệu lực từ ngày 1-1-2018 dành cho tất cả mọi hoạt động của các trang mạng xã hội như Twitter, Facebook, Youtube … Theo đó, tất cả các nhà mạng này đều phải có trách nhiệm và nghĩa vụ xóa bỏ hoặc khóa tất cả những nội dung được coi là “bất hợp pháp rõ ràng” (“offensichtlich rechtswidrig”) trong vòng 24 giờ, kể từ khi có người khiếu nại hoặc tố cáo. Đối với những nội dung chưa rõ ràng, các nhà mạng có thời gian là bảy ngày để tìm hiểu và xóa. Nếu không thực hiện nghĩa vụ này một cách có hệ thống, các nhà mạng sẽ phải chịu những mức phạt lên đến 6-7 con số.

Bình Minh