Thủ tướng Đức Angela Merkel đã mở đường cho Huawei có thể tiếp tục tham gia xây dựng mạng lưới viễn thông 5G ở Đức.
Trong chuyến thăm Nhật Bản 2 ngày bắt đầu từ ngày 5/2, Thủ tướng Đức đã có những chia sẻ đáng chú ý liên quan đến vấn đề Huawei và hợp tác xây dựng cơ sở hạ tầng cho mạng lưới viễn thông 5G của quốc gia này.
Theo đó, nhà lãnh đạo Đức nhấn mạnh nếu Huawei muốn tiếp tục tham gia cung cấp thiết bị viễn thông cho mạng 5G, tập đoàn này phải chứng minh được rằng chính phủ Trung QUốc sẽ không thể lấy cắp dữ liệu do các thiết bị của Huawei thu thập.
Quan điểm này của Thủ tướng Đức Merkel đã hoàn toàn trái ngược với Mỹ và một số quốc gia khác trong liên minh châu Âu. Trong đó phải kể đến quan điểm của Anh, Ba Lan, Italy, Na Uy…
Huawei là tập đoàn sản xuất thiết bị viễn thông hàng đầu thế giới. Tuy nhiên, họ đang dính líu đến những cáo buộc pháp lý về việc có sẵn cơ chế “cửa hậu” cho các tin tặc của chính phủ Trung Quốc đánh cắp thông tin, dữ liệu tại các quốc gia sở tại.
Mỹ dẫn đầu danh sách các quốc gia cấm tiệt Huawei cung cấp cơ sở thiết bị hạ tầng viễn thông. Ngoài ra, dù Huawei đã có hợp đồng với nhiều quốc gia trên thế giới về việc xây dựng cơ sở hạ tầng cho mạng lưới 5G nhưng dưới sức ép của Washington, nhiều nước đã buộc phải hủy bỏ những hợp đồng này.
Tuy nhiên, Huawei đang là nhà cung cấp các thiết bị cho mạng lưới 5G có giá cạnh tranh nhất trên thế giới. Nếu sử dụng các sản phẩm của Huawei được dự tính chi phí đầu tư sẽ giảm thiểu từ 10-20% cho các hạ tầng 5G này so với giá đầu tư của các tập đoàn đến từ châu Âu, Mỹ hay Nhật Bản.
Việc Thủ tướng Merkel đưa ra thông tin mở đường cho Huawei có khả năng quay trở lại là nhà cung cấp thiết bị cho Đức đã cho thấy quan điểm của Berlin trong vấn đề này. Họ có những biện pháp đảm bảo an ninh mạng của mình và đảm bảo cả vấn đề chi phí cho các dự án phát triển đất nước.
Tuy nhiên, điều này là đi ngược với những mong muốn của đồng minh Washington. Tuy nhiên, cách làm mà bà Merkel đưa ra là giải pháp đảm bảo lợi ích tối đa cho nước Đức. Thực tế, nguy cơ Huawei là sân sau của tình báo Trung Quốc cũng chỉ xuất phát từ các cáo buộc của Washington.
Cách làm này với Huawei tương tự như cách mà Đức quyết định tham gia đầu tư dự án Dòng chảy phương Bắc 2 với Nga. Bất chấp các sức ép của Mỹ, Berlin và Moscow quyết thực hiện dự án năng lượng này đến cùng.
Thủ tướng Đức đã từng nói: “Dòng chảy phương Bắc 2 chỉ là một dự án thuần kinh tế, mang lại lợi ích rất lớn cho sự phát triển bền vững và giàu có của nước Đức và thậm chí là cả châu Âu”.
“Dòng chảy phương Bắc 2 có thể tiềm ẩn những rủi ro về yếu tố địa chính trị. Nhưng là một quốc gia có chủ quyền, Đức hoàn toàn ý thức được những vấn đề an ninh mà mình đối mặt, chúng tôi có đủ các biện pháp để đảm bảo lợi ích và an ninh cho quốc gia của mình” – bà Merkel nhấn mạnh về dự án này.
Như vậy, dù ông Donald Trump và chính quyền Washington theo đuổi quan điểm “nước Mỹ trên hết”. Song quan điểm này không phải lúc nào cũng áp dụng được với các đối tác là đồng minh.
Đức cho thấy họ cũng đang có những cách làm riêng biệt, những tiếng nói độc lập để đảm bảo lợi ích cho quốc gia của mình. Thủ tướng Merkel cũng đang tập trung cho nhiệm vụ “nước Đức trên hết”.
Theo Đỗ Tú / baodatviet.vn