Float banner Left 160x600

Float banner Left 160x600

Tìm ra cách khiến tế bào ung thư não tự diệt

Ảnh minh họa: pixabay.com

Các khối u xâm lấn não có thể bị quét sạch nhờ một phương pháp mới.

Trang Euronews đưa tin các nhà nghiên cứu vừa tìm ra một phương pháp khiến các tế bào ung thư tự huỷ diệt vì áp lực.

Và nghiên cứu của họ đã mang lại kết quả đầy hứa hẹn với u nguyên bào thần kinh đệm, một trong những loại u não phổ biến và nguy hiểm nhất ở người trưởng thành. Căn bệnh này được dự báo sẽ ảnh hưởng đến khoảng 19.000 người mỗi năm ở Liên minh châu Âu (EU).

Phương pháp điều trị u nguyên bào thần kinh đệm đã không thay đổi nhiều kể từ đầu những năm 2000, bao gồm hóa trị, xạ trị và phẫu thuật. Thời gian sống sót trung bình cho một bệnh nhân được chẩn đoán mắc bệnh này là 15 tháng.

Ông Eric Chevet, Trưởng phòng thí nghiệm nghiên cứu ung thư của Viện Y tế và Sức khỏe Quốc gia Pháp cho biết: “Tế bào ung thư là tế bào bị áp lực. Chúng không bình thường. Chúng sử dụng các cơ chế phản ứng với áp lực để đạt được lợi thế”.

Theo ông, chúng có ưu điểm là có sức đề kháng cao hơn, mạnh mẽ hơn và có khả năng di chuyển, vì vậy chúng có khả năng chịu được các áp lực bổ sung như hóa trị tốt hơn.

Trong trường hợp u nguyên bào thần kinh đệm, các tế bào sử dụng một loại protein gọi là IRE1 như một phần của cơ chế phản ứng với áp lực, khiến chúng trở nên kháng thuốc ung thư hơn. Giai đoạn này được gọi là “xác định mục tiêu”.

Các nhà nghiên cứu Pháp và Thụy Điển đã tìm hiểu về việc việc tác động vào quá trình này có thể làm suy yếu các tế bào ung thư hay không. Và họ vừa công bố kết quả đầy hứa hẹn trên tạp chí iScience.

Họ đã tiến hành theo ba bước. Đầu tiên, nhóm nghiên cứu ở Thuỵ Điển làm việc trên các mô hình điện toán. Họ đã sàng lọc khoảng 15 triệu phân tử, chạy mô phỏng để dự đoán cách chúng phản ứng với protein trong cơ thể. Z4P được xác định là phân tử có thể hữu ích.

Bước thứ hai là thí nghiệm tế bào để kiểm tra tác động của phân tử đó đối với tế bào ung thư.

Họ phát hiện ra rằng phân tử Z4P không chỉ làm cho các tế bào ung thư kém đề kháng hơn mà còn ngăn chặn khả năng di chuyển của chúng – một trong những xu hướng khiến u nguyên bào thần kinh đệm trở nên nguy hiểm như vậy.

Cuối cùng, các nhà nghiên cứu đã thử nghiệm phát hiện của họ trên cơ thể sống. Họ đã sử dụng phân tử này để nhắm mục tiêu vào các tế bào ung thư ở chuột kết hợp với thuốc temozolomide (TMZ), một loại hóa trị liệu thường được sử dụng trong u nguyên bào thần kinh đệm.

Họ phát hiện rằng phương pháp điều trị kết hợp đã làm suy yếu khả năng chống lại áp lực của tế bào ung thư, đồng thời thu nhỏ đáng kể kích thước của khối u. Và vai trò của phân tử Z4P đã rõ ràng.

Khi chỉ sử dụng TMZ, các khối u quay trở lại sau một khoảng thời gian từ 100 đến 150 ngày. Nhưng với sự kết hợp giữa TMZ và phân tử Z4P, tất cả các tế bào ung thư đã biến mất và những con chuột không bị ung thư tái phát sau 200 ngày.

Mặc dù có kết quả đầy hứa hẹn, giới khoa học vẫn cần nghiên cứu chuyên sâu hơn nữa để có thể tạo ra một loại thuốc điều trị mới.

Ông Chevet lưu ý trong trường hợp lạc quan nhất, các bệnh nhân có thể phải chờ 15 năm nữa để được điều trị bằng phương pháp này. Phân tử Z4P cần sửa đổi thêm để trở nên hiệu quả hơn trong việc chống lại các tế bào ung thư, cũng như được thử nghiệm trên nhiều động vật hơn trước khi thử nghiệm lâm sàng trên người.

Đức Trí/Báo Tin tức

Nguồn: baotintuc.vn