Ngày 19-3, hãng BBC đưa tin, cảnh sát Hà Lan đã bắt giữ Gokmen Tanis, một người đàn ông 37 tuổi, gốc Thổ Nhĩ Kỳ, được cho là kẻ xả súng trên tàu điện ở TP Utrecht, làm 3 người thiệt mạng.
Sau khi bắt được nghi phạm, Cơ quan Chống khủng bố quốc gia Hà Lan đã hạ thấp nguy cơ đe dọa khủng bố tại TP Utrecht xuống 1 cấp.
Cùng ngày, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan cho biết, các cơ quan tình báo nước này sẽ điều tra vụ xả súng trên tàu điện tại TP Utrecht để đưa ra kết luận liệu hành động này là một cuộc tấn công khủng bố hay có thể chỉ là một mâu thuẫn cá nhân. Hãng thông tấn Anadolu dẫn các nguồn tin họ hàng của nghi phạm cho rằng, nguyên nhân có thể là do mâu thuẫn gia đình.
Còn tại New Zealand, sau vụ xả súng tại TP Christchurch, người dân nước này đã bắt đầu nộp lại vũ khí theo lời kêu gọi của chính phủ từ hôm 15-3.
Ông Philip Alpers thuộc GunPolicy.org, một tổ chức quốc tế hỗ trợ kiểm soát súng đạn và ngăn ngừa thương vong do vũ khí, cho biết, New Zealand gần như là nước duy nhất, ngoại trừ Mỹ, có tới 96% số súng đạn lưu hành không phải đăng ký.
Những quan ngại về việc buông lỏng kiểm soát súng đạn ở New Zealand đã lan tới Canada. Bộ trưởng An ninh công cộng Canada Ralph Goodale cho biết, vụ xả súng ở New Zealand sẽ khiến các nghị sĩ nước này xem xét kỹ lưỡng luật sử dụng súng của Canada cũng như đưa ra một số quyết định kịp thời.
Trong khi đó, các ngân hàng Westpac và TSB của New Zealand ngày 19-3 xác nhận, sẽ rút các quảng cáo của mình ra khỏi 2 mạng xã hội Facebook và Google, sau một loạt chỉ trích liên quan tới vai trò của mạng truyền thông xã hội trong vụ tấn công vừa qua. Trước Westpac và TSB, một loạt các ngân hàng khác cũng tuyên bố tạm dừng cộng tác với Facebook và Google gồm: ASB, ANZ, Kiwibank và BNZ.
Theo Minh Châu / sggp.org.vn