TBVĐ- Về cơ bản, khi một dịch vụ chuyển hàng nhận bưu phẩm, họ phải chịu trách nhiệm khi có sự cố xảy ra.
Gía trị đền bù phụ thuộc hàng gửi
Nếu bưu phẩm bị hỏng hóc hay không đến tay được người nhận, về cơ bản bưu điện sẽ đền bù giá trị từ 500 đến 750 Euro. Tuy nhiên, thông thường, trong các điều khoản chung, các hãng vận chuyển đều ghi rõ không nhận chuyển „tiền, đồ trang sức, hàng hóa nguy hiểm hay cả thẻ tín dụng“. Nếu muốn vận chuyển những mặt hàng này, phải sử dụng những dịch vụ đặc biệt dành cho hàng giá trị, chẳng hạn thư dạng Wertbrief.
Nếu bưu phẩm bị mất trên đường vận chuyện hay bị hỏng khi đến tay người nhận, người gửi sẽ được đền bù đúng giá trị hàng. Người gửi là đối tác trực tiếp với công ty vận chuyển và phải chịu trách nhiệm thực hiện khiếu nại khi có sự cố. Người gửi phải chứng minh được hỏng hóc thực sự xảy ra trong quá trình vận chuyển và điều này thường không đơn giản.
Nhanh chóng khiếu nại hỏng hóc
Khi phát hiện ra hỏng hóc, cần nhanh chóng khiếu nại để được đền bù thiệt hại. Nếu khi nhận hàng chưa phát hiện ra hỏng hóc thì có thể gửi khiếu nại trong vòng 7 ngày sau khi nhận hàng. Nếu hàng bị thiếu, cần nhanh chóng liên hệ với người gửi để họ làm đơn tìm tung tích hàng. Để chắc ăn, người gửi nên gửi kèm theo hàng địa chỉ người nhận bên trong bưu phẩm. Trong trường hợp địa chỉ bên ngoài thùng hàng không đọc được vẫn có thể giao hàng nhờ địa chỉ gửi kèm bên trong.
Chụp hình hàng gửi và đóng gói cẩn thận Tốt nhất nên chụp hình nội dung hàng gửi, trước khi đóng kín bằng băng dính. Về lý thuyết, sẽ rất có lợi nếu khi đóng hàng và gửi hàng có mặt một nhân chứng. Tuy nhiên, trên thực tế ít khi xảy ra điều này. Nếu hàng bị hỏng trên đường vận chuyển, bưu điện thường đổ lỗi cho người gửi vì cho rằng hàng chưa được đóng gói cẩn thận. Do đó, cần đóng bằng hộp carton dày và lưu ý đến trọng lượng và tính chất hàng để chọn hộp thích hợp. |
Bảo Ngọc