Float banner Left 160x600

Float banner Left 160x600

Cảnh báo tình trạng ung thư cổ tử cung

Ảnh minh họa: nguồn https://pixabay.com

TBVĐ- Theo trang mạng DKG của Tổ chức phòng chống ung thư Đức (Deutsche Krebsgesellschaft) thì tại Đức hiện nay, số phụ nữ bị ung thư cổ tử cung ngày càng tăng.

Trong số các nguyên nhân gây bệnh ung thư cổ tử cung, vi-rút HPV (tên đầy đủ là Human Papilloma Virus) là nguyên nhân hàng đầu, hầu hết lây truyền qua đường tình dục. Có khoảng 100 loại HPV. Trong 40 loại gây bệnh ở cơ quan sinh dục con người, có 15 loại được liệt vào hạng “độc” tạo nguy cơ cho sức khỏe. Hai loại thông thường nhất là HPV-16 và HPV-18 có khả năng nhiễm sâu vào cổ tử cung phụ nữ, sau đó làm thay đổi mô tử cung và gây bệnh ung thư cổ tử cung. Ngoài ra HPV loại độc cũng là nguyên nhân gây ung thư âm đạo, ung thư âm hộ, ung thư hậu môn, ung thư dương vật, ung thư đầu và cổ. Loại ít độc hơn, HPV-6 và HPV-11, có thể gây 90% chứng mụn cóc (Genitalwarzen, còn gọi là mào gà) của cơ quan sinh dục. Loại nhẹ gây chứng mụn cóc ở tay là (HPV-2) và bàn chân là (HPV-1).

Ước tính khoảng 80% phụ nữ thường xuyên quan hệ tình dục sẽ bị nhiễm vi-rút HPV, đặc biệt những cô gái trẻ đến 25 tuổi. Nguy cơ mắc bệnh tăng theo con số bạn tình và những lần quan hệ tình dục trong đời. Theo giáo sư Peter Hillemanns, bác sỹ trưởng khoa sản thuộc Viện Y Học Hannover, cho biết, sử dụng bao cao su cũng không an toàn, vì tuy là chúng có thể giảm khả năng nhiễm bệnh, nhưng vi-rút HPV vẫn có thể truyền bệnh trong môi trường hanh khô

Từ năm 2006, vắc-xin chống HPV đã được áp dụng rộng rãi. Hiện nay, Đức cho phép sử dụng hai loại thuốc chích mang tên Gardasil và Cervarix. Cả hai đều có khả năng phòng chống HPV 16 và 18. Ngoài ra, Gardasil còn phòng chống chủng HPV 6 và 11. Từ năm 2016, Đức đã có thuốc chống thêm 5 chủng HPV nữa (gồm HPV 31, 33, 45, 52 và 58). Giáo sư Hillemanns cũng nhấn mạnh: “Nhờ vào vắc-xin tiêm phòng HPV, khả năng nhiễm ung thư cổ tử cung có thể giảm từ 70%-90%.” Tuy nhiên, chủng ngừa chỉ có hiệu lực khi tiêm trước khi bị nhiễm phải, không thể dùng để trị HPV khi đã bị nhiễm.

Theo Hội đồng Tiêm chủng thường trực của Đức (die Ständige Impfkomission, STIKO) khuyến cáo, cha mẹ nên cho con mình đi tiêm chủng càng sớm càng tốt, độ tuổi thích hợp nhất ở bé gái để tiêm phòng ung thư cổ tử cung là 9-14 tuổi, muộn nhất là trước khi tròn 18 tuổi. Ở độ tuổi này, các bé sẽ nhận hai mũi tiêm, mũi thứ hai cách mũi đầu tiên 6 tháng. Trong trường hợp bị quá hạn hoặc quá tuổi thì cần tiêm thêm mũi thứ ba. Tất cả các bác sỹ phụ khoa, bác sỹ gia đình cũng như bác sỹ nhi khoa đều được thực hiện gói tiêm chủng này. Chỉ sau khi được tiêm đủ, cơ thể mới đạt khả năng miễn dịch. Các Quỹ bảo hiểm y tế tại Đức nhận chịu mọi phí tổn tiêm phòng cho các bé gái ở độ tuổi 9-17 tuổi.

Các giáo sư, bác sỹ của Đức đều cùng nhận định rằng thuốc tiêm phòng HPV rất an toàn. Chúng chỉ là những vỏ vi-rút trống rỗng chứ không mang vật chất di truyền và hiện đã có tới hơn 150 triệu lần được áp dụng trên toàn thế giới. Tuy nhiên, mức độ tiêm phòng tại Đức so với các nước Châu Âu khá thấp. Chỉ 40% bé gái ở tuổi 14-17 là đã được tiêm chủng chống HPV. Giáo sư Matthias W. Beckmann, giám đốc Bệnh viện Đại Học Y tại Erlangen, khuyên các gia đình nên lưu ý hơn đến vấn đề này.

Bé trai cũng nên tiêm ngừa HPV

Những nghiên cứu mới đây chỉ ra rằng, các bé trai từ 9 tuổi và phụ nữ đã quan hệ sinh dục lần đầu, thậm chí bệnh nhân từng bị nhiễm HPV cũng đều nên tiêm chủng ngừa HPV.  Giáo sư Beckmann hoàn toàn ủng hộ việc tiêm chủng cho các cháu trai, bởi theo ông, phái nam có thể lây truyền vi-rút HPV cũng như mắc nhiều bệnh do vi-rút này gây ra. Tiêm chủng là cách duy nhất để tiêu diệt vi-rút HPV một cách triệt để. Tuy nhiên, chi phí tiêm chủng (khoảng 150 Euro/mũi) trong những trường hợp này không được các Quỹ bảo hiểm Y Tế của Đức nhận trả.

Cẩm Chi