Việc người Catalan bỏ phiếu đòi độc lập khỏi Tây Ban Nha là một mối nguy lớn cho Liên minh châu Âu (EU), mối nguy này thậm chí còn sâu sắc hơn cả việc nước Anh rời khỏi khối hồi năm ngoái.
Catalan là vùng tự trị giàu có Tây Ban Nha, trong thực tế đây là khu vực “bao cấp” cho phần còn lại của đất nước EU này khi chỉ với 7,5 triệu người, tức 16% dân số của Tây Ban Nha, nhưng lại tạo ra số GDP lên tới 20% của cả nước.
Về cơ bản, câu chuyện Catalan đòi ly khai khỏi Tây Ban Nha là một chuyện chính trị, nhưng câu chuyện này không thể tách khỏi lý do kinh tế. Và dù cuộc trưng cầu dân ý đòi độc lập, vốn bị Madrid tuyên bố là vi hiến này có được tổ chức hay không thì kết quả của nó cũng sẽ ảnh hưởng ít nhiều đến Tây Ban Nha và cả EU nữa.
Nếu trở thành quốc gia độc lập, Catalan sẽ thành quốc gia có sức mạnh kinh tế ngang với Đan Mạch và Phần Lan. Barcelona, thủ phủ của vùng đất này là cảng biển lớn nhất Địa Trung Hải và là điểm đến lớn thứ 4 thế giới của các con tàu du lịch khổng lồ.
Không chỉ có sức mạnh kinh tế, Barcelona còn có hai trường kinh doanh quốc tế hàng đầu là ESADE và IESE và vùng đất này là nơi sản sinh ra rất nhiều doanh nhân giỏi. Chưa hết, Catalan là nơi thu hút tới 1/3 tổng đầu tư nước ngoài vào Tây Ban Nha và là vùng sản xuất ra 1/3 sản phẩm xuất khẩu của đất nước.
Không có Catalan, Tây ban Nha vẫn sẽ là nền kinh tế lớn thứ 4 trong EU, sau Đức, Pháp và Ý nhưng lại bị suy yếu rất nhiều. Tóm lại, những nguyên nhân nói trên cho thấy vì sao người Tây Ban Nha kiên quyết chống lại cuộc trưng cầu dân ý đòi độc lập của Catalan.
Vấn đề là nếu lỡ Catalan “chia tay” Tây Ban Nha thành công thì EU sẽ gặp phải khá nhiều thiệt hại nghiêm trọng. Đầu tiên là sự thù địch của một nước Catalan mới với Tây Ban Nha, giữa một bên muốn gia nhập EU còn một bên tuyên bố sẽ chống đối chuyện này đến cùng.
Chưa hết, vụ ra đi của Catalan lại đe dọa EU vốn đang cố gắng trở thành một tổng thể hợp nhất sau vụ “chia tay” của Anh. Một hậu quả nghiêm trọng về kinh tế, chính trị là không thể lường trước được sau sự kiện này. Đặc biệt là khi nó có thể châm ngòi cho một loại sự kiện ly khai khác tại các nước thành viên EU, và thậm chí là tại Scotland của Anh.
Ái Vi (theo Independent)
Nguồn: motthegioi.vn