Nhân viên bưu chính ở Hà Lan cho biết nhiều người lớn tuổi đặt mua rất nhiều hàng, thuốc online dù họ chẳng hề cần đến chúng, chỉ vì… muốn có lý do trò chuyện với người giao hàng mỗi tuần.
Mọi lứa tuổi đều cảm thấy cô đơn
Cô đơn là cảm giác chủ quan của mỗi người, khác nhau giữa các nhóm tuổi và quốc gia. Theo một báo cáo của Uỷ ban châu Âu (EC) năm 2017, đây là vấn đề ảnh hưởng đến 7% người trưởng thành ở châu Âu. Hơn 75 triệu người ở lục địa già trưởng thành chỉ gặp bạn bè và người thân tối đa một lần/tháng và khoảng 30 triệu trong số đó thường xuyên thấy cô đơn.
Cô đơn ảnh hưởng đến tất cả các nhóm tuổi nhưng người già là những người cảm thấy xa cách với xã hội nhiều hơn các nhóm khác vì khi về hưu, không đi làm, người lớn tuổi bị mất đi một mạng lưới bạn bè lớn.
Theo hội từ thiện có tên Age UK ở Anh, có 1,4 triệu người trên 50 tuổi ở Anh cho biết họ thường xuyên cảm thấy cô đơn.
Các chuyên gia cho rằng tỉ lệ người già cảm thấy cô đơn không thay đổi nhưng con số thì cao hơn vì giờ đây chúng ta sống thọ hơn và họ thường ít khi liên lạc với người khác. Con cái trưởng thành sống xa gia đình vì vậy người lớn tuổi cũng không thường xuyên liên hệ với con mình.
Trong khi đó, một nghiên cứu ở Đức lại cảnh báo trong khi chúng ta thường mặc định người già là cô đơn thì nam thanh niên là đối tượng cô đơn nhất và tình trạng tương tự đang tăng lên với phụ nữ trẻ.
Sức khỏe kém, hoàn cảnh kinh tế không như ý, sống một mình liên quan đến cảm giác cô đơn nhiều hơn. Tuy nhiên, trên kênh Euronews, các nhà nghiên cứu cho rằng những tác nhân ảnh hưởng quan trọng như tính cách và khả năng kết nối với người khác cũng quyết định mức độ cô đơn.
Xã hội chúng ta đang thay đổi – những cách thức truyền thống giúp kết nối với người khác như đi nhà thờ, đến trung tâm học tập cộng đồng đang mai một. Ngoài ra, cô đơn còn do sự phân hóa trong xã hội giữa những người đi làm, có tiền và những người không được như vậy.
Robin Hewings, giám đốc chiến dịch vận động Chấm dứt cô đơn ở châu Âu, cho biết nguy cơ lớn nhất với sự cô đơn chính là ở những cột mốc thay đổi trong cuộc đời như bắt đầu xa nhà để đi học hoặc đi làm, đặc biệt là với người trẻ vì khi đó, mạng lưới bạn bè của họ cũng thay đổi liên tục. Tiếp theo là lúc kết hôn và có con và lúc về hưu.
Ngoài sự thay đổi trong đời sống, công nghệ mới cũng được cho là góp phần làm tăng thêm sự cô đơn. Việc khoe những gì đẹp nhất của mình lên mạng xã hội thật ra là một nguy cơ khiến chúng ta thấy cô hơn mặc dù dĩ nhiên, mạng xã hội rất hữu ích để chúng ta kết nối với nhau.
Công bằng mà nói, 60 năm trước, nếu có con đi du học ở Mỹ, tình huống đó giống như là tạm biệt một người mãi mãi. Nhưng giờ đây, các vị phụ huynh có thể trò chuyện với con cái đi du học xa rất dễ dàng.
Sáng kiến chống cô đơn
Năm 2013, Hà Lan chấn động trước tin một phụ nữ 74 tuổi chết cô đơn trong nhà suốt 10 năm mà không ai hay biết cho đến khi một công nhân làm đường thấy có thư chất đống sau cổng nhà bà nên nghi ngờ và báo cảnh sát.
Bộ trưởng Y tế Hà Lan Hugo de Jonge cho biết sự việc này gây sốc với ông và khiến ông quyết tâm hành động chống lại sự cô đơn để bảo vệ người Hà Lan.
Thống kê cho thấy hơn 700.000 người trên 75 tuổi ở Hà Lan cảm thấy cô đơn và nếu không can thiệp, con số này sẽ tăng lên 1 triệu vào năm 2030.
Cách đây 2 năm, chính phủ Hà Lan đã đầu tư 26 triệu euro để khẩn cấp giải quyết vấn nạn cô đơn cấp quốc gia này. Hà Lan khuyến khích những sáng kiến từ cộng đồng. Một trong những sáng kiến nổi tiếng nhất là ở Amsterdam, sinh viên được thuê chỗ ở giá rẻ hơn nếu họ đến sống và trò chuyện với người lớn tuổi.
Một số cộng đồng kêu gọi viết thư cho người trên 75 tuổi và lần lượt ghé thăm nhà trò chuyện với họ mỗi năm. Các siêu thị có sáng kiến ‘vừa trả tiền vừa tám chuyện’ dành cho các cụ già, người người xem các chuyến đi mua rau quả là dịp gặp gỡ cộng đồng và không vội về nhà. Các công ty tập huấn nhân viên cách phát hiện các dấu hiệu cô đơn ở khách hàng của họ.
Những dịp lễ lớn như Giáng sinh, năm mới là dịp sum họp với gia đình bạn bè và chúng ta quan tâm nhau hơn nhưng hãy nhớ cô đơn xảy ra bất cứ thời điểm nào trong năm, kênh Euronews kêu gọi.
Theo Hồng Vân / tuoitre.vn