Các nước châu Âu sẽ siết chặt quy định về lao động biệt phái nhằm ngăn chặn lao động giá rẻ từ Đông Âu và Nam Âu tràn sang phía Tây.
Bộ trưởng Lao động các nước thành viên Liên minh châu Âu trong ngày 24/10 đã đạt được thoả thuận thay đổi một trong những Nghị định gây tranh cãi nhất của Liên minh châu Âu, liên quan đến các lao động biệt phái trong Liên minh.
Cụ thể, các nước châu Âu thống nhất sẽ tiến hành xem xét và thay đổi Nghị định từ năm 1996 về các lao động biệt phái, theo hướng siết chặt các quy định và kiểm soát chặt chẽ hơn lực lượng lao động này.
Nghị định năm 1996 của Liên minh châu Âu quy định, lao động biệt phái là các nhân viên thuộc các công ty tại các nước thành viên Liên minh nhưng được gửi đến làm việc tạm thời tại một nước thành viên khác.
Lao động này ít nhất phải nhận được mức lương tối thiểu tại nước được cử đến làm việc, nhưng các công ty cử lao động đi vẫn sẽ chỉ đóng mức phí bảo hiểm, phí an sinh xã hội hay thực hiện chế độ nghỉ cho lao động này theo tiêu chuẩn ở quốc gia gốc.
Đây chính là điểm gây tranh cãi nhất giữa các thành viên Liên minh châu Âu bởi các công ty thuộc các nước Đông Âu như Ba Lan, Hungary, Romania hay Nam Âu như Bồ Đào Nha, Hy Lạp phải đóng các khoản phí thấp hơn rất nhiều so với mức của các công ty Pháp hay Đức.
Sự chênh lệch này dẫn đến thực tế là hầu hết lao động Đông Âu và Nam Âu sẵn sàng nhận mức lương thấp hơn nhiều các lao động Tây Âu ở cùng vị trí công việc, thường chỉ bằng 2/3 hoặc thậm chí bằng một nửa, qua đó đánh bật lao động các nước sở tại trong nhiều ngành nghề, đặc biệt là xây dựng dân dụng hay vận tải hàng hoá.
Trước sức ép từ giới công đoàn trong nước, từ nhiều năm qua, các nước như Đức, và đặc biệt là Pháp, đã vận động rất mạnh để sửa đổi Nghị định 1996 vì xem đó là một sự cạnh tranh bất bình đẳng.
Tổng thống Pháp, Emmanuel Macron thậm chí xem đây là một trong các ưu tiên hàng đầu trong thời gian mới cầm quyền và hồi tháng 8/2017 ông Macron đã gây ra một căng thẳng ngoại giao với các nước Đông Âu, nhất là Ba Lan, khi chỉ trích các nước này về vấn đề lao động biệt phái.
Các nước Đông Âu, nổi bật là Ba Lan, Hungary hay Séc tuyên bố không ủng hộ thoả thuận mới đạt được. Các nước này là những nước gửi lao động sang phía Tây nhiều nhất, như riêng Ba Lan là có gần 50.000 lao động biệt phái đang làm việc tại Pháp. Tại châu Âu, Đức và Pháp là 2 nước tiếp nhận nhiều lao động dạng này nhất, Đức là trên 300.000 người còn Pháp là 285.000.
Thoả thuận mới đạt được giữa các Bộ trưởng Lao động châu Âu sẽ còn cần phải nhận được sự ủng hộ từ các Nghị sĩ châu Âu trước khi chính thức được sửa đổi thành Nghị định mới và có hiệu lực. Quá trình này có thể kéo dài trên 2 năm./.