Float banner Left 160x600

Float banner Left 160x600

Châu Âu: Người dân bi quan về tương lai

Ảnh minh họa: Trung Hiếu

Ngày 4/5, tờ The Guardian nhận định kết quả của cuộc khảo sát toàn cầu YouGov-Cambridge cho thấy người dân tại châu Âu đang lo lắng về mức sống và tương lai của ngôi nhà chung này.

Theo đó, nhật báo hàng đầu của Vương quốc Anh cho rằng, dự án của YouGov-Cambridge đã phác họa bức tranh của người dân lo lắng về mức sống, an ninh, y tế, giáo dục, cộng đồng và tương lai của châu Âu, nhất là khi cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu sắp diễn ra.

Tâm lý bi quan bao trùm

Chiếm gần 3/4 dân số của Liên minh châu Âu (EU), người dân thuộc 8 quốc gia thuộc liên minh kinh tế-chính trị, bao gồm Đan Mạch, Đức, Tây Ban Nha, Pháp, Italy, Ba Lan, Thụy Điển và Anh, được cho là có mức độ lạc quan rất thấp đối với tương lai của đất nước.

Gần 70% số người dân Pháp tham gia khảo sát tỏ ra tương đối hoặc rất bi quan về tương lai của đất nước hình lục lăng, trong khi số người lạc quan chỉ chiếm 13%. Bên cạnh đó, hơn 50% người dân Anh, Italy và Tây Ban Nha đều bày tỏ không mấy lạc quan về triển vọng phát triển của đất nước.

Trái ngược với tâm lý bi quan chung tại châu Âu, cuộc điều tra tại 23 quốc gia cho thấy chỉ số lạc quan ở các nền kinh tế mới nổi và mới phát triển cao hơn nhiều so với các nước phát triển. Trong số 1.021 người Trung Quốc tham gia khảo sát, có tới 81% bày tỏ sự lạc quan, còn số liệu thống kê của người dân Indonesia và Ấn Độ cũng ở mức khá cao, lần lượt là 71% và 73%.

Khi được hỏi về tương lai trong vòng 12 tháng tới của Pháp, chỉ số lạc quan của người Pháp khá khiêm tốn khi chỉ có 27% lạc quan về tương lai của bản thân, 18% lạc quan về tương lai của khu vực địa phương, và chỉ 8% lạc quan về tương lai của thế giới.

Trong câu hỏi về triển vọng của các thế hệ tương lai, chỉ có 7% người Pháp nhận định rằng họ sẽ có mức sống tốt hơn cha mẹ, trong khi có tới gần 74% cho rằng mọi thứ sẽ tồi tệ hơn. Cùng chung xu thế đó, con số thống kê cho sự bi quan của người Tây Ban Nha là 63%, người Italy là 59% và người Anh là 53%.

Kết quả khảo sát nói trên cho thấy tâm trạng bất mãn và hoài nghi giữa các quốc gia châu Âu trong bối cảnh cơ quan lập pháp của Liên minh chuẩn bị bỏ phiếu vào cuối tháng 5/2019. 5 năm vừa qua, dường như mái nhà chung châu Âu đã chứng kiến nhiều “phép thử” nhất trong lịch sử, từ việc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), hay còn gọi là Brexit, cho đến sự bất ổn chính trị, cùng các cuộc khủng hoảng nợ công và di cư.

Nhà khoa học chính trị tại Đại học Amsterdam (Hà Lan) Matthijs Rooduijn – người phân tích dữ liệu YouGov nhận thấy những người có niềm tin dân túy mạnh mẽ là những người dễ cảm thấy bi quan nhất. Trong số tám quốc gia châu Âu được khảo sát, những người theo chủ nghĩa dân túy sẽ cảm thấy bi quan nhiều hơn gấp đôi về tương lai của đất nước. Đặc biệt tại Pháp và Đức – nơi hiệu ứng dân túy được phóng đại, những người có quan điểm dân túy mạnh mẽ có khả năng bi quan gấp bốn lần.

Gốc rễ của sự bi quan

Josef Janning, Chủ nhiệm văn phòng Berlin tại Ủy ban châu Âu về Quan hệ quốc tế cho biết, người dân châu Âu đã có “sự hoài nghi nhất định về thế giới” kể từ “thế kỷ suy tàn của châu Âu”.

Chuyên gia chính sách cao cấp Josef Janning khẳng định: “50 năm qua là thời kỳ phát triển vượt bậc của cả Ấn Độ và Trung Quốc, giúp hàng trăm triệu người thoát khỏi tình trạng tuyệt vọng cả về khía cạnh kinh tế lẫn xã hội. Mặc dù khoảng cách giữa hai cường quốc châu Á trên vẫn còn cách xa châu Âu, một điều không thể phủ nhận là các quốc gia này đang trỗi dậy mạnh mẽ.”

Trái ngược với những gì diễn ra tại châu Á, Chủ nhiệm Josef Janning cho biết, nhiều người châu Âu đang có tâm lý “hoài nghi” về việc liệu con cái họ có một cuộc sống tốt hơn không. Ông Janning cho biết, sự bi quan của người Đức đặc biệt nổi bật. Điều này đặt ra câu hỏi “Môi trường kinh tế tích cực hiện tại của người Đức có thể tồn tại bao lâu khi ngày càng có nhiều người nghi ngờ về ‘tuổi thọ’ của nền kinh tế Đức.”

Trong khi đó, Claudia Senik, giáo sư tại Trường Kinh tế Paris (PSE) cho biết, chủ nghĩa bi quan tại nước Pháp đã có trước cuộc khủng hoảng kinh tế – tài chính năm 2008. “Đây không phải là do khủng hoảng, mà là do sự chuyển đổi kinh tế và xã hội, cùng với câu hỏi làm thế nào để nhà nước điều chỉnh bình đẳng thu nhập, quan hệ kinh tế thị trường và vị thế của nước Pháp trên thế giới,” giáo sư Claudia Senik cho biết.

Đề cập đến kết quả của cuộc khảo sát hàng quý tại Wellbeing Observatory của Trường Kinh tế Paris, giáo sư Claudia nói thêm rằng: “Chúng tôi thấy tất cả những thứ liên quan đến cuộc sống cá nhân, đời sống xã hội,… đều khá ổn. Điều thực sự tồi tệ là những câu hỏi về triển vọng kinh tế và tài chính của quốc gia.”

Bên cạnh đó còn có những nguyên nhân văn hóa sâu xa. Theo giáo sư Senik, “người dân Pháp thường xuyên ‘nhìn lại thời hoàng kim huyền thoại của nước Pháp vĩ đại’, cho dù đó là Khai sáng, đế chế Pháp, giai đoạn “tươi đẹp” belle époque, hay thời kỳ cách mạng. Ý tưởng về thời hoàng kim có nghĩa là ‘chúng tôi luôn không hài lòng về thế giới’.”

“Tôi sẽ gọi đây là một hiện tượng văn hóa bởi vì nó mang lại sự hoài nghi và niềm tin rằng mọi thứ sẽ không bao giờ trở nên tốt hơn. Đây là một điều không thể tránh khỏi,” giáo sư Claudia cho biết thêm.

Cẩm Yến

(theo The Guardian)

Nguồn: baoquocte.vn