TBVĐ- Một vài chỉ dấu cho thấy người dân cải thiện thu nhập, nhưng nhiều chỉ số khác cho thấy tình trạng nghèo đói đang đe dọa rất đông người dân.
10% tầng lớp thượng lưu của Đức gồm những cá nhân và gia tộc giàu có nhất đã nắm hơn một nửa tổng số tài sản thực (tài sản phi tài chính) của toàn quốc gia, trong khi tổng số tài sản mà một nửa dân số cả nước thuộc diện nghèo hơn sở hữu thì chỉ chiếm 1%.
Quan điểm “giàu-nghèo” đang thay đổi
Theo thống kê của Liên Hiệp Quốc thì trên thế giới hiện nay, hơn 50 triệu người đang chạy trốn khỏi quê hương của mình vì đói nghèo, chiến tranh và bị truy đuổi – là con số lớn nhất sau Thế Chiến thứ II. Đức nằm trong số những quốc gia giàu mạnh, vì thế cũng là một trong những nơi “đất lành chim đậu” được người người kéo đến. Kể từ mùa thu năm 2015, Đức chính thức mở cửa biên giới, cho phép di dân từ các vùng chiến sự của Syria vào tị nạn, đến nay đã đón thêm hơn 1,5 triệu người. Cùng với sự kiện này, có lẽ nước Đức dần phải thay đổi định nghĩa và cách tiếp cận với nạn nghèo đói
Theo trang chính sách xã hội Đức www.sozialpolitik.de, những người thật sự nằm trong hoàn cảnh đói nghèo là những người không có đủ 1 Euro để chi tiêu mỗi ngày. Đó hầu hết là dân nghèo ở các nước phát triển. Tại các nước công nghiệp thì “nghèo” chỉ còn là một định nghĩa tương đối. Tại Đức: Theo một khảo sát của Sở thống kê liên bang (Statisches Bundesamt) đăng trên báo Süddeutsche Zeitung vào đầu tháng 3-2017, thì hàng tháng, sau khi trừ hết các khoản thuế và chi phí xã hội, trung bình mỗi hộ gia đình người Đức còn khoảng hơn 3.200 Euro để tiết kiệm, tiêu dùng, chi trả cho mọi sinh hoạt.
Những người có thu nhập ít hơn 60% mức thu nhập trung bình này đều thuộc diện “armutsgefährdet”, nghĩa là “có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh nghèo đói”, đặc biệt là những người độc thân, thất nghiệp, và người nuôi con một mình. Hiệp hội Phúc Lợi không giáo phái đã thống kê mức dân số nghèo ở Đức hiện là 15,7% – tương đương 12,9 triệu người (năm 2005 là 14,7%) – bao gồm những người độc thân có thu nhập thực tế ít hơn 917 Euro, người độc thân nuôi một con dưới 6 tuổi có thu nhập ít hơn 1.192 Euro và cả những hộ gia đình bốn người chỉ có thu nhập từ 1.978 – 2.355 Euro.
Tuy nhiên, giàu nghèo cũng cần xem bối cảnh. Theo ông Georg Cremer thuộc Hiệp hội Caritas trao đổi với báo Zeit Online, nhiều người độc thân là sinh viên, mặc dù họ chưa thể chứng minh được một mức thu nhập ổn định, nhưng trong tương lai, họ chính là đội ngũ “lao động cao cấp”. Trong khi đó một người dân sống tại München mặc dù có mức lương cao hơn gấp đôi một người sống trong khu vực ngoại ô Nürnberg, nhưng những chi phí sinh hoạt hàng ngày ở München lại cũng cao hơn rất nhiều.
Tranh cãi tình trạng Giàu – Nghèo tại Đức
Theo trang mạng tư vấn và giới thiệu việc làm cho sinh viên và học sinh học nghề “Absolventa”, mức lương trung bình tại các vùng thuộc Đông Đức (2.886 Euro/tháng) cho đến nay vẫn thấp hơn so với bên Tây Đức (3.726 Euro/tháng). Mức lương trung bình giữa nam và nữ cũng hoàn toàn chênh lệch: Năm 2015, trung bình một lao động nam có thu nhập khoảng 3.810 Euro/tháng, trong khi một lao động nữ chỉ đạt 3.161 Euro/tháng – lý do vì đa số nam giới vẫn làm việc trong các lĩnh vực kinh tế với mức thu nhập cao hơn và họ cũng thường được đề bạt vào các chức vụ quản lý nhiều hơn lao động nữ. Hai ngành cung cấp năng lượng (Energieversorgung) cũng như dịch vụ tài chính và bảo hiểm (Finanz- und Versicherungsdienstleistung) có mức lương cao nhất (67.000 – 70.000 Euro/năm). Cuối năm 2016, báo Frankfurter Allgemeine đưa tin Bộ Lao Động liên bang (Bundesarbeitministerium) thống kê được rằng, trung bình gần 20% số người lao động tại Đức hiện nay chỉ nhận mức lương dưới 10€/giờ. Mecklenburg-Vorpommern là thành phố dẫn đầu với tỉ số 35,5% người lao động có mức lương thấp, sau đó đến những thành phố thuộc bên Đông Đức đều đạt chỉ số trên 33%, và thấp nhất là Hamburg với 15,5%.
Theo bà Bộ trưởng Lao động Andrea Nahles (SPD), thu nhập thực tế năm 2015 của 40% người lao động lương thấp giảm hơn nhiều so với giữa những năm 1990. Dù vậy, bà Nahles cũng nhận thấy, mức lương tối thiểu được áp dụng từ năm 2015 đến nay đang dần thay đổi tình trạng xã hội theo chiều hướng tích cực. Trong khi đó, theo báo cáo thứ 5 về mức giàu – nghèo của chính phủ Đức được công khai trên báo Zeit Online vào ngày 12-4-2017, dù kinh tế Đức tăng trưởng mạnh trong những năm vừa qua, mức thất nghiệp giảm nhiều nhất kể từ thời kỳ Đức vừa thống nhất đến nay, nhưng sự chênh lệch về thu nhập và tài sản của người dân vẫn chưa thật sự thay đổi.
Tuy nhiên, nhiều nhà nghiên cứu xã hội như ông Christoph Butterwegge tại Köln không đồng tình với nội dung của bản báo cáo này, bởi theo ông, thay vì chỉ ra vô vàn khó khăn cần đương đầu và khắc phục như tình trạng nhập cư hay sự thiếu hụt giáo viên, bác sỹ, thì nhà nước Đức chỉ đang “tô điểm” cho các chính sách xã hội không mấy khả quan của mình để lôi kéo cử tri. Chủ tịch Hiệp hội Phúc Lợi không giáo phái, ông Ulrich Schneider, cảnh báo không nên coi thường nạn nghèo đói ở Đức, bởi ông cho rằng, “bạn đừng nghĩ ở nước Đức giàu có này, bạn phải ngủ dưới gầm cầu hay đi nhặt vỏ chai mới là nghèo. Cái nghèo không chỉ bắt đầu khi con người ta rơi vào cảnh bần cùng.”
Người già, trẻ em chịu tổn thương nhiều nhất
Theo khảo sát của Sở Lao Động liên bang được báo Westdeutsche Allgemeine Zeitung (WAZ), tính đến cuối năm 2016, ở Đức hiện có hơn 2 triệu trẻ dưới tuổi vị thành niên đang sống nhờ vào trợ cấp xã hội – tăng thêm 3,3% so với cùng kỳ năm trước đó. Chỉ riêng tại bang Nordrhein-Westfalen, số trẻ em thuộc diện nghèo đạt con số 564.000 trẻ, tăng thêm 3,8%. 4 trong số 10 trẻ sống tại Gelsenkirchen và ở Duisburg cũng như Essen thì cứ 3 trẻ sẽ có 1 trẻ phải sống nhờ tiền trợ cấp. Nói cách khác: Chúng thuộc những hộ gia đình nghèo khó. Tuy nhiên, phần lớn những hộ gia đình này là dân nhập cư, nhiều gia đình có từ ba con trở lên. Nạn thất nghiệp kéo dài là một trong những nguyên nhân dẫn đến đói nghèo. “Nạn nghèo đói được ‘di truyền’ từ đời này sang đời khác” – như ông Ulrich Spie thuộc Hiệp hội bảo vệ trẻ em bang Nordrhein-Westfalen trao đổi với báo WAZ.
Theo ông Spie, biện pháp duy nhất để thoát khỏi vòng luẩn quẩn này là giáo dục – bằng cách xây dựng những nhà trẻ và trường học bán trú miễn phí, cung cấp bữa trưa và đồ dùng học tập miễn phí. Chuyên gia nghiên cứu về thanh thiếu niên, ông Klaus Hurrelmann, cho biết: 80% tầng lớp xã hội thượng lưu đều muốn con mình học hết Abitur, trong khi chỉ 20% thuộc tầng lớp thấp hơn mong muốn điều này. Cơ hội học tập và phấn đấu cũng ngày càng chênh lệch, bởi các gia đình giàu có dễ dàng trang trải các buổi học thêm cho con mình, trong khi trẻ em nghèo khó luôn phải tự cố gắng.
Ngoài ra, ngày càng nhiều người cao tuổi đã nghỉ hưu tại Đức cũng dễ rơi vào hoàn cảnh nghèo đói. Năm 2014, con số người già nghỉ hưu nghèo gồm 3,4 triệu người (tương đương 15,6% dân số) – hiện nay là 15,9%. Thống kê của Hiệp hội Phúc lợi không giáo phái cho thấy, kể từ năm 2005 đến nay, số người nghỉ hưu rơi vào hoàn cảnh nghèo đói đã tăng thêm 49% – tuy nhiên, đây chỉ là thống kê dựa trên mức thu nhập của họ, chứ không tính số tài sản họ đã và đang sở hữu (ví dụ bất động sản).
Gói giáo dục thu hẹp khoảng cách giàu, nghèo tại Đức Một trong những mục tiêu lớn của chính trị Đức là thu hẹp khoảng cách giữa giàu và nghèo. Kể từ năm 2011, Đức đã thông qua gói giáo dục (Bildungspaket) dành cho trẻ em và thanh thiếu niên có cha mẹ bị thất nghiệp dài hạn hoặc phải sống nhờ vào trợ cấp xã hội, trợ cấp tiền nuôi con, tiền nhà. Chúng sẽ nhận những khoản phụ phí hoặc thậm chí được miễn phí cho mọi hoạt động ngoại khóa, thể thao và văn hóa, thậm chí tiền ăn ở trường cũng được nhà nước chi trả. Tuy nhiên, như ông Georg Cremer (Caritas) đề xuất thì thay vì việc tăng các mức trợ cấp xã hội, chính phủ Đức nên đầu tư nhiều hơn vào giáo dục, cơ sở hạ tầng và những khu vực kinh tế yếu. Bởi chỉ có như vậy thì xã hội mới bền vững, không tạo ra sự ỷ lại, lười biếng như suy nghĩ của một số thanh thiếu niên hiện nay. |
Cẩm Chi