Sự cực đoan của AfD tỷ lệ thuận với đà thăng tiến của đảng này trong các cuộc bầu cử Quốc hội Liên bang Đức trong những năm vừa qua.
Một điều tưởng chừng như cấm kị vừa bị phá vỡ trên chính trường Đức sau cuộc tổng tuyển cử Liên bang. Với 13,5% tổng số phiếu nhận được từ cử tri Đức, đảng “Con đường khác cho nước Đức” AfD đã trở thành một đảng mang các tư tưởng cực hữu, thậm chí phát xít, xuất hiện trở lại lần đầu tiên trong Quốc hội Liên bang Đức kể từ sau khi kết thúc Chiến tranh thế giới thứ 2.
Với chính trường và xã hội Đức, đây là một tin tức gây nhiều bất an. Thủ tướng Đức, bà Angela Merkel gọi đây là một “thách thức mới” với nước Đức. Sự lo lắng này của bà Merkel hoàn toàn có cơ sở bởi lẽ AfD đang biến đổi các diễn văn chính trị của mình theo hướng ngày một cực đoan hơn.
Về đường lối chính trị, AfD là một đảng chống Hồi giáo, chống châu Âu, chủ trương siết chặt dòng người nhập cư, rút nước Đức ra khỏi khu vực đồng tiền chung châu Âu, từ bỏ việc tham gia các Hiệp ước quốc tế như Thoả thuận Paris về khí hậu, nhưng nghiêm trọng nhất, đó là các ngôn ngữ phát xít ngày càng được các lãnh đạo và thành viên đảng này sử dụng nhiều hơn.
Alexander Gauland, lãnh đạo AfD, cách đây không lâu thậm chí còn tuyên bố “người dân Đức cần tự hào về các binh sĩ của mình trong Chiến tranh Thế giới 2”, tức ám chỉ các binh lính phát xít.
Điều đáng nói, là sự cực đoan của AfD lại tỷ lệ thuận với đà thăng tiến của đảng này. Nếu 4 năm trước, AfD thậm chí không vượt qua được ngưỡng 5% để góp mặt trong Quốc hội Liên bang thì 4 năm sau, đảng này sẽ có ít nhất 87 ghế tại Quốc hội Đức. Sự thăng tiến của AfD nổi bật nhất là 2 năm qua, gắn liền với các căng thẳng gay gắt trong xã hội Đức về chính sách tị nạn mà bà Merkel thi hành.
Thực tế này, một mặt cho thấy thất bại của các đảng truyền thống, nhất là CDU, trong việc ngăn đà tiến của AfD, nhưng mặt khác, cũng phản ánh sự chia rẽ của dân chúng Đức trong các vấn đề chủng tộc, tôn giáo là không thể xem nhẹ.
Vấn đề bây giờ với nước Đức là phải đón nhận sức mạnh mới của một đảng cực hữu, phát xít ra sao. Trao đổi với VOV, nhà báo Dirk Peitz của tờ “Thời báo” (Zeit) Đức nhận định: “Tôi nghĩ là mọi người Đức, ngoại trừ những người ủng hộ AfD, đang lẫn lộn cảm xúc giữa sợ hãi và thất vọng bởi AfD đã bước vào Quốc hội Liên bang, điều chưa từng có hơn nửa thế kỷ qua. Việc để một đảng mà thậm chí có thể coi là phát xít vào được Quốc hội Đức thật sự rất đáng để giận dữ, ít nhất là thế”.
Nhưng, điều nghiêm trọng hơn cả sự giận dữ, đó là AfD có thể sẽ thay đổi tương quan chính trị tại Đức cũng như trên toàn châu Âu theo các hướng hoàn toàn khó lường. AfD hiện đã trở thành chính đảng lớn thứ 3 tại Đức và hoàn toàn đủ khả năng chiếm vai trò là đảng đối lập hàng đầu tại Đức từ tay đảng Dân chủ xã hội SPD vốn đang trên đà suy thoái.
Còn với châu Âu, cú đột phá của AfD tại Đức khiến cho bóng ma dân tuý và cực hữu lại trỗi dậy, sau khi tưởng chừng đã bị chôn vùi sau các cuộc bầu cử tại Hà Lan và đặc biệt là thất bại của Marine Le Pen tại Pháp. Đó mới là điều khiến tác động bất an đến từ AfD trở nên nguy hiểm hơn bao giờ hết.
Theo Quang Dũng / VOV-Paris
Nguồn: vov.vn