Float banner Left 160x600

Float banner Left 160x600

Tự ý nghỉ phép có thể bị đuổi việc

Ảnh minh họa: pixabay.com

TBVĐ- Nếu tự ý nghỉ việc, người lao động có thể bị đuổi việc, thậm chí người thuê không cần thông báo.

Một nhân viên nữ làm việc cho công ty nọ từ ngày 01-08-2014. Để nâng cao tay nghề, cô đã tham gia học thêm một khoá học về quản trị kinh doanh và hoàn thành xuất sắc vào ngày 21-06-2017. Vì thời gian thi cử, công ty đã cho phép nữ nhân viên nghỉ cả hai ngày thứ năm và thứ sáu, 22-06-2017 và 23-06-2017.

Vào thứ hai, ngày 26-06-2017, nữ nhân viên không có mặt tại công ty. Thời gian bắt đầu ca làm việc muộn nhất là lúc 10 giờ sáng. Lúc 12 giờ 4 phút, nữ nhân viên gửi cho cấp trên của mình một bức thư điện tử với tiêu đề “kỳ nghỉ phép tự phát” (“Spontan- Urlaub”). Trong thư, cô gái kể rằng vì thông qua kỳ thi nên bố cô đã tặng cho cô một sự ngạc nhiên là một kỳ nghỉ tại Mallorca, và trong lúc quá hưng phấn cũng như vội vàng, cô đã không có cơ hội nào để thông báo ngay việc mình không có mặt tại công ty. Nữ nhân viên xin lỗi vì “sự bất ngờ vội vàng” này, đồng thời bày tỏ sẽ không đi làm từ ngày 26-06-2017 đến ngày 30-06-2017 và mong cấp trên trả lời.

Vào hồi 17 giờ 02 phút, cấp trên của nữ nhân viên nhắn lại rằng, vì lý do công việc, cô cần phải nhanh chóng quay về đi làm. Người cấp trên cũng gợi ý, cô có thể nghỉ vào thứ sáu, thứ hai và thứ ba tuần sau đó.

Hôm sau, thứ ba, ngày 27-06-2017, lúc 9 giờ 26 phút sáng, nữ nhân viên mới trả lời qua thư điện tử rằng, từ mấy ngày cuối tuần vừa qua, cô ấy đã sang Mallorca và không thể đến văn phòng. Cô ấy cũng đã thật sự không đi làm. Cho đến thứ hai, ngày 03-07- 2017, nữ nhân viên vẫn không đến công ty. Sau khi bàn bạc với ban đại diện doanh nghiệp, công ty quyết định gửi giấy đuổi việc nữ nhân viên theo đúng thời hạn kể từ ngày 31-08-2017. Cô gái đâm đơn kiện công ty ra Toà án lao động Düsseldorf.

Tất nhiên, với cách hành xử như vậy, nữ nhân viên đã thua kiện. Toà án Düsseldorf phán quyết rằng, việc tự ý nghỉ phép là một lý do đuổi việc vô cùng chính đáng, thậm chí là có thể sa thải ngay mà không cần thông báo. Theo trình tự vụ việc, muộn nhất là vào thứ ba, nữ nhân viên đã cho thấy là cô ta hoàn toàn không có ý định sẽ đi làm mà tự ý lấy kỳ nghỉ phép để sang Mallorca. Bằng cách đó, công ty đã hiểu nhân viên của mình ưu tiên việc gì hơn, đồng thời còn cố tình vi phạm nghĩa vụ phải đi làm đã thoả thuận trong hợp đồng.

Theo hội đồng xét xử, trường hợp này hoàn toàn không cần viết giấy cảnh cáo. Dựa vào những thông tin pháp lý nêu trên, hai bên nguyên đơn và bị cáo đã thoả thuận thời hạn nghỉ việc là từ ngày 31-08-2017. Công ty thậm chí vẫn viết giấy nhận xét lao động và bồi thường cho nữ nhân viên 4.000 Euro, gần bằng mức lương của cô từng nhận trước đó (án quyết ra ngày 10.07.2018 – án số 8 Sa 87/18 – Düsseldorf).

Minh Quân