Hãng tin Bloomberg vừa đăng tải bài bình luận về giải pháp lâu dài ngăn chặn nạn buôn người vào Anh, mặc dù có thể còn tranh cãi, song cũng đã nêu vấn đề một cách toàn diện, thấu đáo.
Leonid Bershidsky, cây bút bình luận về các vấn đề châu Âu của hãng tin Bloomberg cho rằng trên thực tế, việc đưa người đi lậu về cơ bản là một ngành kinh doanh vận tải dựa trên nhu cầu của “các hành khách”. Có cầu ắt sẽ có cung.
Một nghiên cứu quy mô lớn về các di dân bất hợp pháp châu Phi ở châu Âu do Chương trình phát triển của LHQ công bố tháng này cho biết 60% trong số các di dân này (từ các nước khác nhau và những tình huống cụ thể khác nhau) dẫn lý do “muốn làm việc và gửi tiền về cho gia đình” là nguyên nhân đầu tiên khiến họ muốn tới châu Âu; có 21% dẫn đó là lý do thứ 2 của họ.
Theo nghiên cứu của LHQ, 39% trong số di dân bất hợp pháp chỉ mới có trình độ học hết cấp 1 và cấp 2 đã đến châu Âu kể từ năm 2005 đang làm việc có thu nhập. Trong số này, 78% đang gửi tiền về cho gia đình. Số tiền họ gửi về nhà chiếm trung bình khoảng 1/3 thu nhập của họ tại châu Âu.
Cũng theo nghiên cứu đó, mức thu nhập trung bình của các di dân bất hợp pháp tại châu Âu khoảng 1.020 USD/tháng.
Trong khi đó, chi phí trung bình để tới được châu Âu, trong đó dĩ nhiên bao gồm cả những khoản tiền trả cho những người tổ chức đi lậu, theo nghiên cứu của LHQ là 2.710 USD.
Điều này có nghĩa, những người này sẽ phải gom góp trong khoảng 9 tháng làm việc sau khi đến được nơi cần đến thì có thể trả hết số “vốn” đã bỏ ra ban đầu để đi được, và sau đó có thể có những tích lũy khác cho gia đình. Dù sao, đó cũng là một triển vọng kinh tế tốt với rất nhiều người.
Cũng theo LHQ, lượng kiều hối do các di dân cả hợp pháp và bất hợp pháp gửi về cho gia đình họ tại nhiều nước trên thế giới đạt 689 tỉ USD trong năm ngoái. Con số này cũng nhiều gấp 3 so với tổng số tiền hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cho chính những nước đó vào cùng khoảng thời gian.
Dữ liệu của Ngân hàng Thế giới (WB) cho thấy các di dân đến từ các nước đang phát triển đã từ Anh chuyển về cho gia đình khoảng 17 tỉ USD trong năm ngoái. Trong số này, khoảng 147 triệu USD từ những di dân người Việt.
Từ đó, Bloomberg cho rằng Vương quốc Anh nên tăng ít nhất là gấp đôi ngân sách hỗ trợ phát triển của họ cho các nước đang phát triển, và đảm bảo 100% số tiền tăng thêm đó tới được những người bình thường để giảm bớt động cơ kinh tế trong vượt biên bất hợp pháp của các di dân.
Nhưng tác giả bài bình luận của Bloomberg cũng thừa nhận yêu cầu đó là hoàn toàn phi thực tế. Bởi vậy, theo tác giả, một chính sách thấu tình đạt lý nhằm ngăn chặn những thảm kịch như vụ việc tại Essex mới đây cần bao gồm cả chính sách hành pháp và di trú hợp lý, hiệu quả hơn.
Về mặt thực thi pháp luật cần trừng phạt thẳng tay với tội phạm buôn người, những kẻ trút lên đầu di dân những khoản nợ không thể trả nổi, rồi sau đó bắt ép họ phải làm những công việc tồi tệ khi tới nơi.
Về phương diện kinh tế, một chính sách di trú hợp lý nên cho phép mọi người được tới Anh hợp pháp để tìm việc vì họ thực sự đang đóng góp cho nền kinh tế của quốc gia tiếp nhận họ. Mặt khác, nguồn kiều hối họ gửi về gia đình cũng giúp đất nước quê nhà giảm bớt nhu cầu vay vốn ODA.
Các chính phủ thậm chí cũng có thể tính phí cho việc giới thiệu trực tiếp những người lao động này cho những công việc thu nhập tương đối thấp và có nhu cầu nhân lực.
Theo D.Kim Thoa / tuoitre.vn