Hôm 18/7 Diễn đàn Đối thoại Petersburg – một sự kiện thường niên do Nga và Đức chủ trì đã khai mạc tại Petersburg, một thị trấn gần thành phố Bonn của Đức. Truyền thông châu Âu đánh giá Diễn đàn Đối thoại Petersburg năm nay có thể đóng vai trò là điểm khởi đầu cho một giai đoạn mới của quan hệ song phương Nga-Đức, đồng thời là chất xúc tác nhằm làm ấm lại quan hệ Nga- phương Tây vốn đã ‘đóng băng’ kể từ khi xảy ra cuộc xung đột ở miền Đông Ukraine và Nga sáp nhập bán đảo Crimea vào lãnh thổ của mình vào năm 2014.
Nội dung đáng lưu ý
Chủ đề lần này của diễn đàn là: “Hợp tác như một nét chủ đạo của hòa bình ở Châu Âu: đóng góp của xã hội dân sự Nga và Đức”. Những người tham gia thảo luận về những vấn đề nóng của chính sách đối ngoại, đời sống xã hội, kinh tế.
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã tham dự diễn đàn và hội đàm với người đồng cấp Đức Heiko Maas, xem xét tình hình xung quanh Kế hoạch hành động chung toàn diện (IPAP) về chương trình hạt nhân Iran và tương lai kiểm soát vũ khí, cũng như tình hình ở miền Đông Ukraine, giải quyết cuộc xung đột ở Syria.
Ngoài ra, các bộ trưởng còn trao đổi ý kiến về tình hình và triển vọng hợp tác trong lĩnh vực thương mại, kinh tế, khoa học, giáo dục, văn hóa và nhân đạo, thông qua xã hội dân sự, thanh niên và quan hệ liên nghị viện.
Phát biểu tại sự kiện năm nay, Bộ trưởng ngoại giao Nga Sergei Lavrov đặc biệt chú ý đến vai trò của đối thoại liên xã hội trong việc cải thiện quan hệ giữa Nga và EU, cũng như tình hình chung trong lĩnh vực an ninh châu Âu và toàn cầu.
Khả năng tìm ra hướng giải quyết
Giải quyết tình hình ở miền Đông Ukraine là một trong những chủ đề chính tại buổi khai mạc cuộc họp toàn thể của Diễn đàn Đức-Nga “Đối thoại Petersburg” năm nay. Phát biểu tại đây, Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov đã kêu gọi Đức, với tư cách là thành viên của Bộ tứ Normandy, có thể giúp dỡ bỏ sự phong tỏa ở khu vực Donbass, Ukraine.
Còn tại cuộc họp báo sau hội đàm với Ngoại trưởng Đức Heiko Maas, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tuyên bố, Nga sẵn sàng nối lại định dạng của các cuộc tham vấn liên chính phủ với Đức, nếu Berlin cho thấy sự sẵn sàng tương tự. Ông Lavrov lưu ý rằng định dạng này khá hiệu quả và bày tỏ hy vọng khôi phục. Theo ông, hai bên đang dần dần khôi phục hoạt động của các cấu trúc đã tốn tại trước đây.
Năm 2018, hoạt động của Nhóm công tác cấp cao Nga-Đức về Chính sách an ninh đã được nối lại. Năm nay đã có các cuộc họp của ba nhóm nhỏ hoạt động trong khuôn khổ này. Một phiên họp toàn thể định kỳ của nhóm này được lên kế hoạch vào tháng 11 tại Moscow.
Đáp lại, Bộ trưởng Ngoại giao Đức Heiko Maas khẳng định, một nền hòa bình bền vững ở châu Âu chỉ có thể có khi hợp tác với Nga. Theo ông, mặc dù hiện nay hai bên có những ý kiến khác nhau về nhiều vấn đề, nhưng đối thoại với Nga vẫn là cần thiết. Nếu không có Moscow, thì không thể trả lời những câu hỏi cấp bách về chính trị thế giới.
Ngoại trưởng Đức Heiko Maas ghi nhận những nỗ lực của Nga trong tiến trình chính trị ở Syria. Theo ông, trong cuộc xung đột Syria, Đức và Nga có quan điểm đối nghịch, nhưng thống nhất ở chỗ là tình hình không thể được giải quyết bằng các biện pháp quân sự. Các bên thống nhất rằng nếu không có một quá trình chính trị khả thi, sẽ không có Syria ổn định. Nga đã thực hiện một số biện pháp để khuyến khích chính phủ ở Damascus tham gia vào quá trình đó. Ngoại trưởng Heiko Maas lưu ý rằng các biện pháp nên được thực hiện để ngăn chặn sự leo thang hơn nữa ở Idlib, và việc thành lập một ủy ban hiến pháp đã “quá hạn từ lâu”.
Ngoài ra, tại diễn đàn, Bộ trưởng Ngoại giao Đức Heiko Maas cũng đã công bố, nước này sẽ thảo luận với các đối tác trong khu vực Schengen về vấn đề đơn giản hóa cơ chế thị thực cho giới trẻ Nga. Ông lưu ý rằng việc thông qua một quyết định phù hợp đòi hỏi phải thảo luận và Berlin không thể làm điều gì đó đơn phương.
Triển vọng quan hệ đối tác Nga-Đức
Đức vẫn là một trong những đối tác thương mại và kinh tế quan trọng nhất của Nga ở châu Âu. Năm 2018, Kim ngạch thương mại Nga-Đức tăng 19,3% so với năm 2017 và đạt tới 59,6 tỷ USD. Berlin đã liên tục ủng hộ thực hiện dự án “Dòng chảy Phương bắc 2” (Nord Stream 2) như một sáng kiến thương mại góp phần tăng cường an ninh năng lượng của châu Âu bằng cách đa dạng hóa các tuyến cung cấp khí đốt tự nhiên và giảm thiểu rủi ro vận chuyển. Dự án Dòng chảy Phương Bắc 2 đáp ứng lợi ích khi cung cấp nguồn năng lượng ổn định cho châu Âu và đó là lợi ích của các nhà sản xuất châu Âu, trước hết là của Đức và các nước được cung cấp nguồn khí đốt từ Nga.
Thời gian qua, đã có không ít ý kiến của chính giới Đức cũng như các doanh nghiệp nước này về việc EU cần dỡ bỏ trừng phạt đối với Nga. Bởi ước tính, kinh tế Đức – nền kinh tế đầu tàu của EU – phải gánh chịu tới 40% trong tổng thiệt hại mà các thành viên Liên minh châu Âu phải nhận do áp các biện pháp trừng phạt Nga kể từ sau khi nước này sáp nhập bán đảo Crimea vào năm 2014.
Còn theo ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov, phía Đức hiểu lợi ích của việc tiếp tục các công việc cải thiện quan hệ với Nga là lẫn nhau, còn thành công của tiến trình này phụ thuộc vào nỗ lực của cả hai bên. Vấn đề này cần là chủ đề thảo luận qua các kênh chính trị-ngoại giao. Ông cũng nhấn mạnh, Nga quan tâm phát triển hợp tác đa dạng với Đức, bởi vì nước này thuộc số các đối tác quan trọng của Nga ở châu Âu./.
Nguồn: vov.vn